Khoảng 7- 8 năm trước là giai đoạn hoàng kim của ngành viễn thông. Các công ty viễn thông lớn nhỏ mọc lên như nấm sau mưa. Chồng tôi cũng làm trong ngành này, khi ấy, mỗi tháng anh kiếm được vài chục triệu đồng là chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, vì là thời hoàng kim, công việc nhiều nên chồng tôi phải đi suốt, ngắn thì 2- 3 ngày, dài thì có khi vài tháng. Có lẽ không còn tỉnh nào trên đất nước Việt Nam này anh chưa đặt chân đến. Nơi nào có trạm viễn thông là nơi đó có anh.
Đi nhiều, tiền rải đường, rải chợ cũng nhiều. Vì tự tin sẽ kiếm được tiền ngay trong ngày hôm sau nên cả đội (chồng tôi là đội trưởng) thường xuyên ăn nghỉ nhà hàng, khách sạn. Đến nơi nào có địa điểm du lịch đều ghé qua không phải lo lắng chuyện tiền bạc. Nhậu nhẹt, cà phê cà pháo thì như cơm bữa.
Rồi theo quy luật, có lúc thịnh thì sẽ có lúc suy, ngành viễn thông suy yếu dần, hàng loạt các ông lớn, ông nhỏ phá sản, sáp nhập… Công việc ít, mức khoán giảm, tiền kiếm được ngày càng khó khăn.
Chồng tôi lại tính nước nhảy việc, sang làm ở vị trí cao hơn trong một công ty viễn thông có vốn nước ngoài. Không ngờ khoảng 6- 7 tháng sau công ty ấy bán lại cổ phần cho một tổ chức nhà nước. Vào tay nhà nước, nhân sự được cơ cấu lại, thế là chồng tôi bị đẩy ra ngoài và chuỗi ngày thất nghiệp bắt đầu.
Giai đoạn đầu là giai đoạn khó khăn nhất. Vốn quen tung hoành, giờ phải chôn chân tại chỗ, chồng tôi như bị sốc tâm lý. Ngày nào anh cũng ráo riết tìm kiếm các thông tin tuyển dụng, rồi hẹn hò cà phê cà pháo với các mối quan hệ để liên hệ công việc nhưng chẳng có kết quả gì.
Các công ty viễn thông đang muốn sa thải bớt nhân viên để giảm gánh nặng chi phí thì ai người ta còn tuyển dụng nhân sự mới.
Tiếp theo sau là giai đoạn buông xuôi, chán chường. Chồng tôi chẳng còn muốn ra khỏi cửa, cứ ở nhà chúi đầu vào máy tính, chơi game suốt ngày. Một vài người bạn liên hệ được công việc rủ anh đi làm, anh cũng hí hửng đi cho đỡ buồn và mong kiếm thêm thu nhập, nhưng rồi anh làm chỉ thấy lỗ, chẳng đưa được đồng nào về.
Trước mỗi đợt đi còn phải lấy tiền của vợ. Hỏi nguyên nhân thì: "Đối tác xù tiền, không có kinh nghiệm tự nhận việc nên tính toán sai, bị lỗ, công việc kéo dài ngày quá nên chỉ hòa vốn…". Tôi chán không buồn hỏi nữa.
Sau đấy chồng tôi không thấy đi theo mấy ông bạn nữa mà chuyên tâm ở nhà. Trước đây, khi còn kiếm ra tiền, chồng tôi không bao giờ động đến việc nhà. Đi công tác thì thôi chứ nếu có làm việc gần, sáng đi tối về thì về đến nhà anh chỉ ăn rồi chúi đầu vào máy tính chơi game. Con cái, cơm nước, chợ búa là việc của tôi, anh không cần biết đến.
Bây giờ, anh bắt đầu biết nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, trông con… Về việc tiêu tiền cũng có sự thay đổi đáng kể. Nếu trước đây anh tiêu tiền không phải nghĩ thì giờ đây đã khác nhiều lắm.
Giai đoạn đầu thất nghiệp, mỗi ngày tôi dằn túi cho chồng 100.000 đồng thì nhoáng cái là bay vì phải hẹn hò cà phê, cà pháo với các mối quan hệ để liên hệ công việc.
Giai đoạn sau, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn vì chỉ có mỗi mình tôi đi làm. Mỗi ngày tôi chỉ đưa anh khoảng 50.000 đồng tiêu vặt thì thấy anh đã bớt chi tiêu linh tinh hơn. Thời gian sau nữa thì thấy hầu như không tiêu pha gì vì suốt ngày ở nhà và chắc là đã biết tiếc tiền và thấy thương vợ lam lũ hơn, biết con cần sữa uống…
Khó khăn rồi cũng qua, chồng tôi hiện giờ đã đi làm trở lại, không phải chuyên ngành viễn thông nhưng cũng có liên quan nên anh làm việc rất tốt, được cấp trên tin tưởng và đề bạt lên đội trưởng ngay sau tháng đầu thử việc.
Mức lương của anh bây giờ không bằng ngày xưa nhưng cũng tạm đủ chi tiêu cho cuộc sống cá nhân và gia đình, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho tôi. Điều đáng nói là thói quen chia sẻ việc nhà với vợ và chi tiêu tiết kiệm, hợp lý được hình thành trong thời gian thất nghiệp ở anh đến nay vẫn còn nguyên và có vẻ ngày càng khá hơn.
Thiết nghĩ, nếu không có khoảng thời gian thất nghiệp đó liệu chồng tôi bây giờ sẽ ra sao? Chắc cũng vẫn vung tay quá trán và vô tâm vô tư với việc nhà, với vợ con, rồi sẽ hình thành nhiều thói hư tật xấu, rồi hạnh phúc gia đình sẽ bị lung lay…
Thế mới biết, cái gì cũng có hai mặt của nó, trong cái rủi sẽ có cái may, rơi vào nghịch cảnh chưa hẳn đã hoàn toàn xấu. Chỉ trong nghịch cảnh con người mới cố gắng vươn lên và hoàn thiện bản thân mình.
>> Xem thêm: Nhật ký thất nghiệp- cú shock đầu tiên
Chia sẻ bài viết của bạn về thất nghiệp tại đây.