"Thất bại nhà nước" có thể xuất hiện dưới dạng các dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật, chính sách không phù hợp, các quyết định gây lệch lạc các mối quan hệ trong nền kinh tế, hay những chính sách đã được ban hành đúng đắn nhưng không được thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, thực hiện sai.
"Thất bại nhà nước" có thể gây ra tổn thất về tiền bạc, tính mạng con người, nguồn lực xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh và uy tín của các cơ quan ban hành và cơ quan thực thi chính sách. Nó làm giảm uy tín của nhà nước, bào mòn niềm tin của người dân vào các cơ quan công quyền, cũng như uy tín của thể chế.
"Thất bại nhà nước" cũng có thể đến do: động cơ vụ lợi hay sự thiếu hiểu biết của những người có thẩm quyền ban hành chính sách; những quyền lực chính trị hay sự vận động hành lang của các nhóm đặc quyền đặc lợi làm thay đổi sự liêm chính của chính sách công; năng lực kém của các cơ quan xây dựng, ban hành và thực thi chính sách; tầm nhìn ngắn hạn của các cơ quan liên quan khi tác động, hay người tham gia xây dựng chính sách.
Tại Việt Nam thời gian qua, nhiều "thất bại nhà nước" đã xuất hiện trong việc ban hành và thực thi các quy định. Đơn cử, như quản lý vật nuôi.
Tôi có con gái học lớp năm. Những chiều đi học về, cháu thường chơi với trẻ con xung quanh khu phố. Bọn trẻ rất yêu động vật và thích chơi với mấy chú chó của mấy gia đình chung quanh. Người lớn đi làm về có thể thấy bọn trẻ chạy lòng vòng, đàn chó chạy theo, nô đùa rất vui đến gần giờ ăn tối. Tuy vậy, một lần, con gái tôi thấy chú chó mà nó vẫn thường xuyên đùa giỡn đang lúi húi bới túi rác, bé chạy đến vuốt vào lưng con vật. Có lẽ do bị bất ngờ, sợ bị giành phần bới rác, nó quay phắt lại, cắn vào tay con gái tôi. Vết cắn không nặng, tôi cho cháu rửa xà phòng rồi chở đến trung tâm y tế thành phố khám và chích ngừa. Nghe bác sĩ dặn theo dõi các tình huống có thể xảy ra, bé rất hoang mang và lo sợ.
Dù vợ chồng tôi chăm sóc, động viên, nhưng từ đó cháu tuyên bố "ghét chó!", không dám ra đường chơi vào buổi chiều với chúng bạn. Dần dà, bọn trẻ trong xóm cũng vậy, chúng thấy chó là lấy gạch đá ném và gậy gộc xua đuổi. Đàn chó suốt ngày sủa inh ỏi. Các gia đình nuôi chó dù không vui cũng phải bán dần thú cưng. Người buồn nhất cuối cùng là bọn trẻ.
Quy định về nuôi chó, mèo đã có trong Luật Thú y và nhiều văn bản dưới luật. Tuy vậy, khó tìm một ví dụ xung quanh chúng ta về việc thực thi các quy định này. Tình trạng chó không rọ mõm, chưa được chích ngừa, hoặc chích ngừa không đầy đủ, thả rông ngoài đường phố, ngõ xóm, vệ sinh vừa bãi, tấn công người, vật khác... rất phổ biến ở bất cứ đâu. Chúng ta thường xuyên đọc thấy những tin tức, như một người đàn ông bị chó cắn vào cổ và tử vong khi đi cấp cứu ở Hà Nội, em bé 8 tháng tuổi bị chó ngao cắn chết, em bé 9 tháng tuổi ở Yên Bái bị cả đàn chó tấn công làm cụt dương vật, bại não. Thương tâm nhất, em bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị đàn chó cướp đi cuộc sống tuần trước.
Đó là một thất bại của chính sách chưa đầy đủ, thất bại của các chính sách đã ban hành không được thực thi và thất bại của việc giám sát thực thi chính sách. Hậu quả là nhiều người dân bị thương vong.
Rất nhiều quốc gia đã phải đối mặt với các "thất bại nhà nước" khác nhau. Để kiểm soát "thất bại nhà nước" thì ngay từ khi ban hành đến khi thực thi bất kỳ chính sách nào cũng phải được kiểm tra, giám sát đầy đủ, rõ ràng, minh bạch bởi cơ quan chức năng và các bên liên quan.
Trong đó, cơ quan ban hành, cơ quan thực thi, cơ quan giám sát phải là đối trọng hợp tác và giám sát lẫn nhau. Những đơn vị nào không làm tròn trọng trách phải bị nêu tên, công khai giải trình với cơ quan giám sát và người dân. Và đặc biệt, không một cơ quan nhà nước nào có quyền lực tuyệt đối để có thể vô tình hay cố ý ban hành những văn bản mà từ đó có thể gây ra "thất bại nhà nước".
Vũ Ngọc Bảo