Nhiều ngày nay, hàng nghìn phật tử và người dân đổ về chùa Lệ Minh, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tham dự các hoạt động mừng lễ Phật đản và chiêm ngưỡng các công trình bằng tre. Tháp tre đặt chính giữa sân chùa, hình chữ A, xung quanh trang trí nhiều cờ hoa, câu đối.
Chính diện tháp tre là cây cầu hình vòm cũng bằng tre, lan can uốn lượn cách điệu thành hình con rồng. Hai đầu cầu được các phật tử tạo hình đầu và đuôi con rồng bằng rơm khô.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có nhiều lán trại, không gian nghỉ ngơi, cổng tam quan, 7 đóa sen trên sông cũng được làm bằng tre.
Ông Nguyễn Hữu Trang, một phật tử tham gia làm các công trình trang trí mừng Phật đản, cho hay công việc được triển khai một tháng qua. Hơn 1.000 cây tre loại tốt, thẳng, dài được Phật tử toàn huyện Triệu Phong đóng góp.
Tháp tre được thiết kế tỉ mỉ, chia làm bốn khối. Các thanh tre được kết nối bằng ốc vít chắc chắn. Các khối được thi công ở nhiều khu vực, rồi dùng xe cẩu chở về chùa và lắp ráp, dùng dây giằng néo để cố định.
Đại đức Thích Nguyên Mãn, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Triệu Phong, cho biết các công trình làm bằng tre nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu xanh, thân thiện, hướng đến cuộc sống tốt đẹp, lành mạnh.
Chùa Lệ Minh được Giáo hội Phật giáo Triệu Phong chọn tổ chức đại lễ Phật đản cho toàn huyện, sau đó lan tỏa ra nhiều chùa, cơ sở tôn giáo khác. Dự kiến có khoảng 2.000 phật tử, đạo hữu tham gia đại lễ, trong đó có 600-700 trại sinh cắm trại tại chùa Lệ Minh với khoảng 100 trại.
Lễ Phật đản nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra vào năm 624 trước Công nguyên. Trước kia các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào mùng 8/4 Âm lịch. Từ sau đại hội Phật giáo thế giới đầu tiên năm 1950, 26 nước thành viên đã lấy ngày rằm tháng 4 là ngày Phật đản. Năm 1999, Liên Hợp Quốc công nhận lễ Phật đản là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.