Đây là thói quen có từ khoảng ba năm nay của cô gái 29 tuổi ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). "Đọc báo và lướt mạng xã hội ngày nào cũng thấy có vụ hình ảnh quay lén bị phát tán nên tôi thấy sợ", Ly giải thích. Không phải người nổi tiếng nhưng cô sợ hình ảnh nhạy cảm của mình bị quay lại và phát tán lên website "đen".
Ly mua một thiết bị phát hiện camera và luôn mang theo mình mỗi khi đi du lịch, phải ở nhà nghỉ, khách sạn. Cô còn học phát hiện gương hai chiều - người ở ngoài có thể nhìn thấy bên trong nhưng bên trong không thể nhìn ngược lại.
Không chỉ sợ ở khách sạn, Ly còn tạo thói quen tuyệt đối không sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Cảnh giác mọi lúc nhưng cô vẫn sống trong nỗi thấp thỏm, mỗi lần thay đồ đều chui vào chăn thay vì sử dụng nhà tắm của khách sạn. Nếu không phải ở nhà mình, cô gái không dám mặc đồ mát mẻ.
Cũng vì sợ camera quay lén, Ngọc Lan, 24 tuổi ở quận 3, TP HCM đưa ra hàng loạt tiêu chí khi đi thuê trọ. Cô nói sẽ không thuê nếu phải dùng chung nhà vệ sinh hoặc các phòng có thiết kế nhiều ngóc ngách, dễ gắn camera ẩn. Thi thoảng, cô lại bật thiết bị dò camera, kiểm tra wifi để phát hiện các thiết bị lạ.
"Khách trọ có chìa khóa riêng nhưng chủ nhà đều có chìa dự phòng. Mình không biết bảo vệ bản thân thì ai bảo vệ được", Lan nói.
Nỗi lo của Minh Ly và Ngọc Lan không phải vô căn cứ. Như sáng 25/6, fashionista Châu Bùi chia sẻ câu chuyện phát hiện camera quay lén dưới dạng đồng hồ đeo tay trong nhà vệ sinh tại một studio ở TP HCM. Bài viết thu hút gần 200.000 người quan tâm, hơn 27.000 bình luận và 42.000 lượt chia sẻ. Một ngày sau, nữ sinh 20 tuổi thuê trọ ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) tiếp tục phát hiện chủ nhà đặt camera quay lén trong phòng tắm. Đa số bình luận dưới bài đăng đều bày tỏ sự phẫn nộ hoặc lo bản thân có thể là nạn nhân mà không biết.
Khảo sát của VnExpress hôm 26/6 với câu hỏi Bạn có từng bắt gặp hoặc nghi ngờ bị đặt camera quay lén?, đến 52% nói Có.
Chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP HCM) cho biết tâm lý lo sợ và nảy sinh các biện pháp phòng tránh của người dân, đặc biệt phái nữ, là bình thường khi số vụ việc phát hiện bị quay lén gia tăng.
Theo chuyên gia, nạn nhân trong các vụ việc này dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm, quyền được bảo vệ hình ảnh, luôn sống trong thấp thỏm, lo âu. Chưa kể nguy cơ hình ảnh nhạy cảm bị phát tán trên không gian mạng hoặc sử dụng vào mục đích trái pháp luật như ép buộc quan hệ tình dục, cưỡng đoạt tài sản cũng rất lớn.
Sống trong nỗi sợ hình ảnh cá nhân bị phát tán khiến các chuyến đi chơi cùng bạn bè của Minh Ly trở nên nặng nề. Cô thường tốn nhiều thời gian để kiểm tra mọi ngóc ngách trong phòng ngủ, luôn đấu tranh tư tưởng "liều mình đi tắm" hoặc chịu bẩn.
Còn với Ngọc Lan, mệt mỏi mà không tìm được nơi trọ đúng ý, cô và bạn đành phải chi 10 triệu đồng mỗi tháng để thuê chung cư. Bên cạnh đó, thói quen mua sắm cũng chuyển từ trực tiếp sang đặt hàng online khi đọc tin một cửa tiệm có lắp camera ngay trong phòng thử đồ. "Đúng là mất thời gian và tốn kém hơn nhưng đây là cách để tôi tự bảo vệ bản thân", Lan nói.
Chuyên gia Trần Hương Thảo cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến vấn nạn này là do thiết bị ghi hình giấu kín được mua bán rất dễ dàng và mức xử phạt với hành vi quay lén chưa đủ sức răn đe.
Theo khảo sát của VnExpress, nhiều website và hội nhóm trên mạng xã hội công khai bán camera mini, ngụy trang siêu nhỏ, nhóm đông nhất có 32.000 thành viên. Ngoài camera thông thường, thị trường có nhiều loại được ngụy trang bằng những vật dụng như bút bi, cúc áo, bật lửa, ổ điện, đầu ốc vít, đèn tường, đồng hồ, củ sạc điện thoại. Giá bán mỗi loại dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Luật sư luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội), cho biết buôn bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ các cơ sở thuộc bộ Công an, bộ Quốc phòng hoặc đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, được sử dụng. Nhưng vì lợi nhuận, loại sản phẩm này đang được rao bán, trao đổi bất hợp pháp khá nhiều.
Ông Cường khẳng định việc thu thập trái phép thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến đời sống riêng tư, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân được pháp luật bảo vệ. Nạn nhân trong các vụ việc này có quyền yêu cầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại. "Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định", ông Cường nói.
Như vụ việc người đàn ông 58 tuổi ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) giấu camera trong phòng tắm của khách trọ nữ, công an quận Hà Đông cho rằng hành vi của người này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ xử lý vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng.
Mức xử phạt trên khiến nhiều người cho rằng "quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe, các đối tượng vẫn có thể tái phạm". Không ít cá nhân cho biết vẫn sống trong sự lo lắng khi hành vi quay lén vẫn tiếp diễn.
Để giảm thiểu những vụ việc như trên, các chuyên gia đề xuất cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền riêng tư cá nhân.
Công tác quản lý về việc mua bán các thiết bị ghi hình giấu kín cần chú trọng, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là sử dụng các hình ảnh trái pháp luật như đưa thông tin trái phép lên mạng internet, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và những hành vi khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý sức khỏe của nạn nhân.
Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn