Thứ bảy, 4/5/2024
Thứ tư, 29/5/2013, 10:49 (GMT+7)

Tháp chọc trời dự báo suy thoái kinh tế

Theo Barclays, các tòa nhà chọc trời hoàn thiện thường trùng với thời điểm bắt đầu một cuộc suy thoái kinh tế thế giới. Thậm chí, nhà càng cao thì mức độ trầm trọng càng tăng.

Tòa nhà Equitable Life (1873)

Suy thoái kinh tế 1873-1879 bắt đầu lan khắp nước Mỹ trùng khớp với thời điểm khánh thành tòa nhà Equitable Life tại New York vào năm 1873. Ở thời điểm đó đây là tháp chọc trời với độ cao 43,3m.

Auditorium (1889) và New York World (1890)

Auditorium (82m) hoàn thành năm 1889 tại Chicago  (Mỹ) và tòa New York World (94,2m) năm 1890, cùng thời điểm đó diễn ra cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng tại Anh và suy thoái kinh tế thế giới.

Masonic Temple, Manhattan Life và Milwaukee City Hall (1893)

Ba công trình có độ cao lần lượt là 92m, 106m, 107,6m hoàn thành đúng vào năm nước Mỹ đang khủng hoảng vì xây dựng đường ray ồ dạt dẫn đến thừa. Năm 1893 cũng là khi hàng loạt ngân hàng suy sụp và bắt đầu cuộc chạy đua về vàng.

Park Row và Philadelphia City Hall (1901)

Năm 1901 đánh dấu lần đầu tiên sàn chứng khoán New York sụp đổ. Cũng trong năm này, nước Mỹ chào đón hai tháp chọc trời mới là Park Row cao 119,2m và Philadelphia City Hall (155,8m).

Singer và MetLife (1907)

Một lần nữa sàn New York mất điểm (sụt 50% so với đỉnh) kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính mang tên Nỗi ám ảnh của giới ngân hàng (1907 - 1910). Có đến 2 tòa nhà là Singer (186,5m) và Metropolitan Life (213m) đi vào hoạt động năm 1907.

40 Wall Street (1929), Chrysler (1930) và Empire State (1931)

Giai đoạn 1929 - 1933 được xem là thời kỳ đen tối khi cuộc Đại suy thoái diễn ra, nhưng vẫn không ngăn được 3 công trình với chiều cao 283m, 319m, 381m hoàn thiện vào các năm 1929, 1930 và 1931.

Tháp đôi World Trade Center (1972 - 1973) và Sears Tower (1974)

Từ 1972 - 1974 là thời kỳ Mỹ bùng nổ đầu cơ tiền từ việc vay nước ngoài, cùng với đó là giá dầu tăng gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào chứng khoán, tàu, máy bay. World Trade Center cao 410m, trong khi đó, Sears Tower trở thành tòa nhà cao nhất thế giới năm 1974 với 435m.

Tháp Petronas (1997)

Cao 452m, Petronas (Malaysia) là tháp cao nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 1997. Đây cũng là năm khởi điểm cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á (kéo sang năm 1998), các đồng tiền mất giá và giới đầu cơ đổ xô vào cổ phiếu, bất động sản.

Taipei 101 (1999)

Tháp cao 509m, xây dựng từ năm 1999 đến 2004. Từng ấy năm cũng là khoảng thời gian diễn ra cuộc suy thoái kinh tế và bong bóng công nghệ, hay còn gọi là "bong bóng Dot-Com".

Burj Khalifa (2010)

Năm 2010 thế giới chào đón "siêu tháp" Burj Khalifa (830m) trong bối cảnh cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2007 vẫn dai dẳng.

Sky City (sắp khởi công)

Theo thiết kế, Sky City của Trung Quốc sẽ cao 838m, "vượt mặt" Burj Khalifa. Công trình dự kiến động thổ vào tháng 6/2013 và sẽ hoàn thành sau... 7 tháng xây dựng. Dù mới nằm trên giấy tờ, sự xuất hiện của Sky City trong thời kỳ nhà đất tại Trung Quốc đang đầy rẫy khó khăn và kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp vẫn khiến nhiều chuyên gia lo ngại về một cuộc khủng hoảng mới.

Phương Linh