Sáng 31/8, anh Lê Hoài Nhân, 24 tuổi, nhân viên Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) làm công tác bảo dưỡng tại khớp nối đường ống có đường kính nửa mét dẫn dưới chân trụ tháp bêtông cao 46 m. Hai đường ống sắt đưa nước ra - vào tháp, được sơn màu xanh có phần hoen rỉ nhưng rất cứng cáp. Bên ngoài tháp có cầu thang để nhân viên kỹ thuật leo lên bảo trì, sơn phủ chống thấm, rêu mốc, bám bụi định kì một lần mỗi năm.
Sau khi rà soát ống dẫn, nam nhân viên kiểm tra tủ chứa gắn ở thân tháp có lắp đặt hệ thống dữ liệu áp lực trên mạng lưới để đảm bảo dòng nước cung cấp cho người dân trong đợt nghỉ lễ 2/9 kéo dài. Anh Nhân cho biết, việc bảo dưỡng hai ống dẫn nước dưới chân trụ khá đơn giản nhưng phải làm thật tỉ mỉ để tránh sai sót. Các thông tin ghi nhận từ tháp này sẽ được báo về Trung tâm điều khiển phân phối nước sạch cách đó 5 km để kiểm tra áp lực nước. "Mọi việc phải làm thật chính xác, vì sai sót nhỏ nhất có thể gây ra tổn thất rất lớn", anh Nhân nói.
Hình ảnh tháp bêtông màu trắng, có phần cánh buồm màu xanh, cao chót vót, nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, đã quá quen thuộc với người dân. Nhiều người sống lâu năm tại đây còn đặt tên cho nó là "phi thuyền Apollo" của Sài Gòn vì nhìn giống tên lửa đẩy Apollo được Mỹ phát triển đầu thập niên 60 để đưa người lên mặt trăng. Ngoài vị trí này, tại Nhà máy nước Thủ Đức ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức, còn có một tháp với thiết kế tương tự.
Cả hai đều được Mỹ xây dựng cùng lúc vào năm 1963 với đường kính gần 3 m và nhỏ dần lên phần ngọn tháp. Lúc đó, tháp có tên gọi là Surge Tower (tháp trào) nằm trong dự án Metropolitan Water. Hai cánh buồm ở thân tháp được thiết kế bất đối xứng nhằm giảm sức gió tác động lên tháp, giúp đảm bảo tuổi thọ lên đến 100 năm.
Tháp bắt đầu vận hành khi Sở sản xuất nước sông Đồng Nai được khánh thành (nay là Nhà máy nước Thủ Đức) vào năm 1966. Trong lòng tháp rỗng, có đường ống sắt đường kính nửa mét, dài 40 m, hở miệng ở phần đỉnh tháp. Với chức năng điều chỉnh áp lực nước, chống va đập nước, điều hòa khi áp lực nước tăng đột ngột, bảo vệ đường ống và phòng ngừa sự cố làm vỡ đường ống. Thời điểm đó, nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á này hoạt động với công suất 450.000m3 mỗi ngày, cung cấp 90% nước sạch cho cư dân Sài Gòn.
Nhà máy nước Thủ Đức có nhiều đường ống đường kính 1,5-2,4 m phân bổ nước đến nhiều quận huyện trên TP HCM. Trong đó, có hai đường ống đường kính 2 m sẽ nối hai tháp cắt áp. Đường ống này nối với ống nước chạy dọc thân tháp. Khi nước từ nhà máy bơm vào đường ống lớn chạy về đến tháp, áp lực nước sẽ được điều tiết, giảm xuống để nguồn nước này hòa vào mạng lưới đường ống nhỏ hơn với đường kính 25 cm trước khi chảy vào từng hộ dân.
Theo nguyên lý hoạt động, nước từ máy bơm nhà máy có áp lực nước khoảng 3-4 bar (đơn vị đo áp suất). Tính theo cột nước, mỗi bar tương ứng với khoảng 10 m nước. Chiều cao mực nước tối đa trong đường ống tháp cắt áp lực là 40 m, tức áp lực nước là 4 bar.
Ông Lê Hoành Hải, đại diện Phòng kỹ thuật Sawaco, cho biết đường ống dẫn nước đến hộ gia đình có đường kính 25 cm sẽ chịu được áp lực tối đa là 4 bar, nếu vượt quá sẽ bị vỡ, rò rỉ. Tháp cắt áp đóng vai trò luôn giữ áp lực nước dưới ngưỡng này để bảo vệ đường ống. Nước trong đường ống từ nhà máy có áp lực trên 4 bar khi chảy qua tháp cắt áp cao hơn 40 m sẽ tràn ra trong tháp, sau đó chảy ra kênh. Việc này sẽ điều tiết áp lực nước để không bao giờ vượt quá sức chịu đựng của đường ống.
"Tháp cắt áp này đặc biệt hữu dụng khi nhà máy nước bị cắt điện đột ngột, gây ra hiện tượng búa nước khiến áp lực trong lòng ống rất cao", ông Hải nói.
Cán bộ kỹ thuật của Sawaco dẫn chứng hồi tháng 5/2013, xe cần cẩu chở cây chạm vào đường dây 500 kV, gây mất điện toàn miền Nam. Khi đó, nguồn cung cấp điện cho máy bơm tại Nhà máy nước Thủ Đức bị cắt bất ngờ gây hiện tượng búa nước. Lúc này áp lực nước trong đường ống từ nhà máy dẫn đến hai tháp lên đến 6 bar. Nếu không có hai tháp điều tiết, dòng nước với áp lực gấp rưỡi sức chịu đựng sẽ làm các đường ống dẫn nước tới các hộ dân sẽ vỡ hàng loạt.
Hiện, Nhà máy nước Thủ Đức có công suất hơn 1,3 triệu m3 mỗi ngày, cung cấp cho khoảng 7 triệu dân, tức 70 % dân số của TP HCM. Do đó, hai tháp cắt áp gần 60 tuổi dù có thiết kế đơn giản nhưng lại mang lại lợi ích rất lớn, giúp đảm bảo dòng chảy nước đến 2/3 người dân thành phố.
Ngoài hai tháp này, tại cầu gần cầu Tham Lương, quận 12, cũng có một tháp cắt áp được xây dựng năm 2004 của nhà máy nước Tân Hiệp, với công dụng tương tự. Nhà máy Tân Hiệp cung cấp nước đến 30% số dân còn lại của TP HCM.
Đình Văn