Sự nghiệp của ông trong gần 10 năm làm bộ trưởng (1958-1968) định hình nền y tế Việt Nam cho đến nay.
Nǎm 1958 khi ông phụ trách ngành y, tình hình bệnh tật rất nghiêm trọng: bệnh lao chiếm tới 4% dân số, bệnh sốt rét lan tràn ở miền núi với tỷ lệ người mắc 80-90%, người phong lang thang khắp nơi vì không được chạy chữa, bệnh mắt hột làm hàng triệu người mù lòa, chưa có cơ sở y tế chǎm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ trẻ chết bệnh cao, các dịch bệnh hoành hành như tiêu chảy, thổ tả, thương hàn, đậu mùa, sởi, ho gà, bạch hầu... Tuổi thọ trung bình của người dân chưa tới 40.
Ông lựa chọn con đường phù hợp nhất với tình hình lúc đó là xây dựng nền "y tế nhân dân", lấy phòng bệnh là chính, tổ chức bộ máy y tế từ trung ương xuống tận thôn xóm. Ông phát động phòng bệnh truyền nhiễm một cách khoa học, tiêm chủng toàn dân, tự sản xuất vaccine; thành lập các trạm y tế dân nuôi; phát động phong trào "vệ sinh yêu nước", ăn chín uống sôi, sử dụng "hố xí hai ngăn", "ba diệt: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột". Các bệnh viện như viện Lao, viện Mắt hột (sau đổi tên là Viện Mắt Trung ương), bệnh viên Nhi, Bệnh viện Sản, bệnh viện thu nhận người phong... lần lượt được xây dựng.
Trong vòng 10 năm, dưới điều kiện chiến tranh, y tế miền Bắc đã thay đổi hẳn. Các dịch bệnh lớn bị đẩy lùi: sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván... giảm hẳn, sốt rét, thương hàn không còn phát triển thành dịch nữa, mắt hột được thanh toán, bại liệt được giảm thiểu, người bệnh phong, bệnh lao được tập trung trong các nhà điều dưỡng, các bệnh viện chuyên khoa để chạy chữa.
Thế giới lúc đó đánh giá Việt Nam là "một mẫu mực tổ chức chống lao cho những nước có nền kinh tế thấp". Tỷ lệ chết do lao từ 400-500/100.000 dân xuống còn 20-40/100.000 dân. Tỷ lệ lao chung trong vòng 3-5 nǎm giảm ít nhất 50%. Ông sáng tạo những biện pháp như: soi đờm thay cho chụp X-quang phổi để phát hiện lao, dùng vaccine BCG chết thay cho BCG sống để phổ cập việc chủng ngừa lao...
Công tác hàng chục năm trong ngành y, tôi ngẫm ra được nhiều bài học từ sự nghiệp của ông.
Bài học đầu tiên là nhận biết khó khăn chính để tháo gỡ. Giữa cái ngổn ngang của tình hình y tế những năm 1950, bệnh tật trong dân rất nhiều, chữa bệnh rất cấp thiết, nhưng ông có tầm nhìn xa, là người đầu tiên định hướng y tế Việt Nam hướng về cơ sở, lấy phòng bệnh làm chính. Trong phòng bệnh lấy tiêm chủng toàn dân làm chủ đạo. Những quan điểm đến nay vẫn được áp dụng.
Bài học thứ hai là năng lực quản lý, tổ chức thực hiện. Chỉ trong một thời gian ngắn bộ máy của ngành y được hình thành rộng khắp, biến các ý tưởng của ông thành hiện thực. Để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ như vậy, ông có một thiên tài về quản lý cùng sự cần mẫn hiếm có.
Bài học thứ ba là về sự nêu gương. Ông sống giản dị, tự lái xe đi làm. Tối về ăn cơm nguội ủ trong liễn với ít thịt rang rồi lại làm việc tới khuya. Ông đi nhiều, tiếp xúc trực tiếp thực tế để nắm tình hình và giải quyết. Ở tuổi 59, năm 1968, ông vào Nam để củng cố y tế phía Nam và hy sinh trên chiến trường ở tuổi 59.
Hơn 50 năm đã qua, y tế Việt Nam có nhiều phát triển, các bài học của ông để lại cho hậu thế vẫn có giá trị, tất nhiên là về phương pháp luận, chứ không phải bê nguyên xi những việc từ thời ông sang hiện tại.
Những năm 1980, đất nước bị cấm vận, y tế gặp nhiều khó khăn, ngành y tế lúc đó phát động phong trào 5 dứt điểm: dứt điểm xây dựng ba công trình vệ sinh, dứt điểm sinh đẻ kế hoạch, dứt điểm dùng thuốc Nam chữa bệnh, dứt điểm y tế cơ sở, dứt điểm quản lý sức khỏe; với tham vọng dứt điểm được các mục tiêu này thì thay đổi được tình hình y tế. Tức là bê nguyên cách làm của thời những năm 1960, không sáng tạo. Phong trào này sau đó lặng lẽ lụi tàn. Các vườn thuốc Nam ở trạm y tế xã biến thành vườn rau.
Đến những năm 2000, phong trào học tập 12 điều y đức trong ngành y trở thành nỗi ám ảnh cho nhân viên y tế bấy giờ. Bằng cách này, chính lãnh đạo ngành y mặc nhiên nói với xã hội rằng y tế khủng hoảng là do nhân viên y đức kém. Phong trào sau đó cũng nhạt dần và các khó khăn bất cập của ngành y không được cải thiện.
Ngành y tế hiện tại cũng đang khó khăn chồng chất, vì khủng hoảng nhân sự do điều kiện làm việc và đãi ngộ; y tế công yếu kém; dịch bệnh chồng lên nhau; cơ chế điều hành quản lý lủng củng, thiếu khoa học; hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực y khoa chưa hoàn thiện...
Thời đại mới, khó khăn thách thức mới, đòi hỏi nảy sinh cách giải quyết mới. Nhiều giải pháp đã được các bậc trí thức trong xã hội nêu ra. Nhìn vào các câu chuyện cũ, tôi thấy có một bài học kinh điển trong quản lý ngành y, không phát hiện ra khó khăn chính thì giải pháp nghe hấp dẫn đến mấy cũng chỉ là lý thuyết và sẽ nhanh chóng thất bại.
Khủng hoảng toàn diện của ngành y hiện tại không thể được vá víu bằng một vài giải pháp nghe hay ho mà phải được tháo gỡ từ gốc.
Quan Thế Dân