Số cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm ở các vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, Cát Bà, Trà Báu và vịnh Gia Luận, thuộc huyện Cát Hải. Tất cả bị tháo dỡ theo Nghị quyết 05 của UBND TP Hải Phòng để bảo tồn danh thắng Cát Bà.
Hết ngày 22/9, 7 cơ sở được tháo dỡ, trong đó có 2 hộ ông Bùi Văn Hoàn và Hoàng Văn Giang nuôi tại khu Nam Cát, Vườn quốc gia Cát Bà.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó chủ tịch huyện Cát Hải, cho biết huyện đã thành lập 10 tổ công tác đến các cơ sở vận động tháo dỡ, đa số đồng thuận. Huyện cũng đã kiểm đếm, lập phương án hỗ trợ được 380 cơ sở.
Là một trong 19 hộ tháo dỡ trong đợt đầu, bà Bùi Thị Hợp (51 tuổi, thị trấn Cát Bà) cho biết, gia đình đầu tư 36 ô lồng nuôi cá, ngao, tu hài từ năm 2007, năm được năm thua nên hiện còn nợ ngân hàng gần 300 triệu đồng tiền giống. Số tu hài, ngao chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng gia đình bà chấp hành tháo dỡ.
"Vợ chồng tuổi cao, không công ăn việc làm, chỉ hy vọng huyện bố trí hoặc tạo điều kiện cho chúng tôi có công việc để ổn định cuộc sống", bà Hợp nói.
Trước đó ngày 13/8, UBND TP Hải Phòng đề xuất HĐND thành phố ban hành nghị quyết hỗ trợ người dân tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà nhằm xây dựng huyện đảo thành trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế, tiến tới chuẩn bị điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.
Số tiền hỗ trợ cho cơ sở nuôi trồng thủy sản cả về vật kiến trúc và sản phẩm nuôi được thống kê sơ bộ hơn 68 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Hiện trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu.