Chỉ khác, trước đây là hoạt động chống dịch còn bây giờ là những nỗi lo về thuốc, trang thiết bị và tình trạng nhân viên ồ ạt rời bỏ bệnh viện nhà nước, mà nhiều người gọi là "chảy máu" lực lượng y tế công.
Tôi không nghĩ là "chảy máu" vì công hay tư vẫn nằm trong hệ thống "tuần hoàn" chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên sự xáo trộn quá nhanh về nhân sự trong hệ thống công sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là với những người dân chưa có điều kiện tiếp cận các phòng khám và bệnh viện tư. Tôi gọi đây là sự tháo chạy của nhân viên y tế khỏi hệ thống công lập.
Chỉ tính riêng quý I năm nay tại TP HCM, 400 nhân viên bệnh viện công và các trạm y tế của TP HCM nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước đại dịch. Năm 2021 ngành y tế thành phố có số người nghỉ việc tăng đột biến là 1.154.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi thu nhập giảm sút, phương tiện làm việc không đầy đủ, chịu áp lực dư luận về một hệ thống công xấu xí, tham nhũng và quan liêu. Những người chưa bỏ nghề hoặc chưa ra bệnh viện tư gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất vẫn còn tâm huyết, luyến tiếc công việc, có chuyên ngành tương đối thuận lợi, thu nhập đảm bảo... Nhóm thứ hai là những người mới, chưa nhiều kinh nghiệm, bằng cấp, muốn ra làm tư cũng chưa có vị trí xứng đáng.
Lời giải cho hệ thống y tế, theo tôi nên chia hai giai đoạn: ngắn hạn nhằm ngăn sự sụp đổ hệ thống y tế; trung và dài hạn hướng tới phát triển bền vững nền y tế hiện đại và nhân văn.
Việc đầu tiên cần làm là giải bài toán thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư tiêu hao. Cách đơn giản là cho phép bệnh nhân thanh toán chế độ BHYT bằng hóa đơn mua vào với các mặt hàng trong một giai đoạn nhất định (có thể đến cuối năm nay); chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính "phải đủ thuốc", khi Luật và các quy định chưa kịp sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu. Cách này vừa đảm bảo quyền lợi toàn dân khi khám chữa bệnh, tổng quỹ bảo hiểm không đổi (bệnh nhân không thanh toán tại viện thì thanh toán trực tiếp với BHXH tỉnh), đồng thời giảm áp lực sai, áp lực tiến độ cho các bệnh viện, xốc lại tinh thần làm việc cho nhân viên.
Cần xây dựng lại hệ thống đấu thầu các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Đây là sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao đặc thù, nếu mua sắm theo cách thông thường sẽ vấp phải việc trúng thầu thuốc, dụng cụ y tế, trang thiết bị, vật tư rẻ tiền, không đảm bảo.
Bước tiếp theo là nâng cao thu nhập của nhân viên y tế. Nhưng nâng cao thu nhập nhân viên y tế ở các bệnh viện công lập tự chủ chi thường xuyên là câu chuyện "con gà quả trứng". Tự chủ đi đôi với việc phải tăng thu. Nhưng tăng thu bằng cách nào ngoài cách làm dịch vụ? Nếu chỉ dựa vào nguồn thu BHYT, chắc chắn không bệnh viện nào có thể trả thu nhập cao cho nhân viên. Mà mục đích của bệnh viện công là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách rộng rãi ở mọi đối tượng, dẫn đến giá thu phải khống chế.
Nhiều nước phát triển đã thành công với mô hình bệnh viện không chỉ dựa vào bệnh nhân và BHYT, mà dựa vào mạnh thường quân, phí từ những nghiên cứu ứng dụng cho các hãng dược phẩm hay phí đào tạo.
Tại Việt Nam lúc này, mạnh thường quân chưa xuất hiện để tạo mô hình bệnh viện phi lợi nhuận (do tư nhân xây dựng, thương hiệu công điều hành và lợi nhuận không chia mà để tái đầu tư, hỗ trợ người nghèo...), nhưng tương lai chắc chắn sẽ có.
Mạnh thường quân lúc này có thể chính là Nhà nước. Cần mạnh dạn sử dụng các gói phục hồi sau đại dịch cho các cơ sở y tế đang lâm nguy. Song song với việc này là luật hoá hoạt động đối tác công tư phi lợi nhận trong các dự án công ích. Luật Khám chữa bệnh sửa đổi là cơ hội lớn nhất để thay đổi nhiều vấn đề cốt lõi của hệ thống y tế. Hai chân kiềng nhân lực và hậu cần y tế tưởng như lung lay trong đại dịch nhưng nếu chọn hướng đi đúng, tôi tin chắc ngành y sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nhóm việc thứ hai để phát triển y tế trong tương lai sẽ là một chương khó nếu giải pháp một thất bại. Giữ chân nhân viên y tế qua được giai đoạn hai là món quà vô giá cho các bệnh viện công. Quan trọng nhất vẫn là chiến lược phát triển con người.
Đã đến lúc nên ngừng hô hào nâng cao năng lực y tế cơ sở như một khẩu hiệu. Bởi ai đã đến các trạm y tế xã phường đều dễ dàng thấy không thể thay đổi một sớm một chiều chất lượng và hiệu quả hệ thống này. Chức năng điều trị gần như biến mất ở đây. Các bác sĩ thường không chọn nơi này để hành nghề, nếu có chọn cũng không có khách. Họ không có cơ hội học tập và kiến thức sáu năm đại học sẽ nhanh chóng teo tóp. Tôi đề xuất ba ý tưởng để thiết kế hệ thống y tế công trong tương lai:
Thứ nhất, lấy bệnh viện huyện, thị là hạt nhân để đầu tư và nâng cao năng lực hệ thống y tế. Các trạm y tế xã phường sẽ trở thành phòng khám cho bệnh viện huyện thị. Tất cả bác sĩ sẽ có biên chế tại bệnh viện huyện, thị. Mỗi ngày trong tuần họ khám chuyên khoa cố định tại trạm y tế. Các ngày còn lại có thể khám và điều trị trực tiếp tại bệnh viện.
Thứ hai, tạo các khu vực y tế mạnh ở mỗi tỉnh hoặc chí ít một khu vực. Các bệnh viện có thế mạnh, uy tín nên gộp lại, nằm gần nhau hoặc có hệ thống liên lạc chặt chẽ. Các cơ sở khó tồn tại độc lập như Đông y, Phục hồi chức năng... nên nằm trong khu liên hợp với các bệnh viện từ loại một trở lên để chia sẻ cơ sở vật chất, máy móc cũng như bệnh nhân, con người.
Thứ ba, nên thay đổi phương thức giám sát các lỗi vận hành (hành chính), tập trung vào vấn đề lạm dụng chỉ định chuyên môn. Tuần trước, tôi biết một bệnh nhân ra nước ngoài lấy viên sỏi thận dưới 6 mm, một chỉ định mà hiếm bác sĩ chuyên khoa ngoại niệu nào đồng ý nếu bệnh nhân không có triệu chứng. Việc kiểm tra bệnh án không nên thường xuyên đồng loạt mỗi quý một lần như trước, mà nên ngẫu nhiên kiểm tra các bệnh án đã được xoá tên tuổi và địa chỉ. Tôi tin chắc không quá lần phạt thứ hai, mọi hoạt động của bệnh viện sẽ trở nên quy củ.
Vai trò của các hội chuyên ngành sẽ được nâng cao nếu họ được tham gia vào cấp phép hành nghề và phân xử các tai biến y khoa hay chỉ định đúng sai của quá trình điều trị. Hội sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các nhân viên y tế, dựa trên các quy tắc chuyên môn thống nhất.
Khi nhìn thấy những nỗ lực thay đổi của hệ thống, tôi không tin các nhân viên y tế lại muốn tháo chạy khỏi nơi làm việc đã gắn bó và tạo nên thương hiệu của mình.
Nguyễn Lân Hiếu