Được ví như "lá phổi xanh" của TP HCM, năm 2016 Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn thu về hơn 86,7 tỷ đồng doanh thu và hơn 900 triệu đồng lợi nhuận sau thuế. So với năm 2015, mặc dù doanh thu của công ty giảm gần 5% và chỉ đạt 76% kế hoạch, nhưng lợi nhuận tăng hơn gấp đôi.
Theo ban lãnh đạo Thảo Cầm Viên, doanh thu không đạt theo kế hoạch do việc xác định mục tiêu không phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của đơn vị sau khi Thảo Cầm Viên thực hiện tự chủ tài chính theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP HCM.
Phần lớn doanh thu của Thảo Cầm Viên đến từ dịch vụ công ích đã thực hiện trong năm. Được thành lập cách đây hơn 150 năm, đến nay công viên này đã sở hữu diện tích hơn 17ha giữa trung tâm TP HCM với hơn 1.100 cá thể động vật và trên 2.000 giống thực vật. Doanh thu từ hoạt động công ích liên quan đến hệ sinh thái này đạt hơn 66 tỷ đồng trong năm 2016, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 88% kế hoạch.
Phần doanh thu còn lại đến từ hoạt động bán vé tham quan. Năm 2016, Thảo Cầm Viên bán được gần 1,6 triệu vé với trên 2 triệu lượt khách tham quan.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng đầu năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Người có công xây dựng là Đô đốc Toàn quyền Đông Dương Pierre-Paul De La Grandière, với tham vọng dùng nơi này để nâng cao văn hoá và các hoạt động bảo tồn động thực vật, cũng như phục vụ công trình nghiên cứu cho các nhà khoa học Đông Dương.
Năm 1865, Thảo Cầm Viên hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhập về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia… Từ năm 1869, công trình này được mở cửa thường trực cho người dân vào tham quan.
Đến nay, Thảo Cầm Viên đã trở thành là một trong những công viên lớn nhất nước với hơn 1.000 cá thể động vật thuộc 125 loài, hơn 2.000 cây gỗ thuộc 260 loài, hàng chục loại lan nội địa, xương rồng, bonsai và thảm cỏ xanh trên diện tích hơn 17ha.
Tình đến cuối năm 2016, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có tổng tài sản hơn 700 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần chi phí xây dựng dở dang liên quan đến dự án Sài Gòn Safari đạt hơn 600 tỷ đồng, tương đương 85% tổng tài sản. Dự án này đặt tại xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM và đã giải phóng mặt bằng được gần 87%.
Minh Sơn