Thứ tư, 29/1/2025
Thứ hai, 18/3/2024, 14:55 (GMT+7)

'Thảo Cầm Viên Sài Gòn' 160 tuổi qua trang sách

Cuốn "Thảo Cầm Viên Sài Gòn" đưa bạn đọc khám phá vườn sinh vật có tuổi đời 160 năm giữa lòng TP HCM.

Sách dày 160 trang, giới thiệu các động thực vật - sinh vật được chia theo từng loài, như chim, thú, thú ăn thịt, thú móng guốc, bò sát. Bên cạnh đó, thông tin về lịch sử hình thành và phát triển Thảo Cầm Viên từ năm 1864 đến nay trình bày theo sơ đồ, qua các mốc thời gian và sự kiện.

Sách được biên soạn với thông tin và hình ảnh trực quan về từng nhóm loài. Ở nhóm thực vật, các loài cây quý hiếm như gõ đỏ, lim xanh, mét, sọ khỉ, chiêu liêu bướm, da cao su đều có thông tin cụ thể về tên khoa học và vị trí của chúng.

Theo đó, những loài cây quý là dấu tích còn sót lại của rừng mưa nhiệt đới Đông Nam Bộ. Thảo Cầm Viên còn có những khu vườn do các nhân viên chăm sóc như cây kiểng bonsai, lan, khu xương rồng và cây nông nghiệp.

Nhóm động vật gồm những thông tin như tên khoa học, nơi sinh sống, khu vực phân bố, thức ăn, hình thức sinh sản. Những câu chuyện xung quanh các loài vật cũng được thêm thắt, giúp cung cấp kiến thức cho độc giả.

Ví dụ, trĩ sao là loài chim nhút nhát, hay lảng tránh người, vì vậy, con người ít khi thấy chúng trong tự nhiên. Hay trong giờ ăn của loài voọc, con cái và con non được ưu tiên dùng bữa, còn con đực có nhiệm vụ canh gác xung quanh.

Phần giới thiệu lớp thú móng guốc.

Bộ móng guốc gồm bộ voi, bộ guốc lẻ và bộ guốc chẵn.

Trang mô tả đặc điểm của tê tê. Trong nước có hai loài, gồm tê tê Java (tên khoa học là Manis javanica) và tê tê vàng (Manis pentadactyla).

Tê tê nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phần giới thiệu đặc điểm các loài chim đang được nuôi ở Thảo Cầm Viên.

Phần giới thiệu chim hồng hoàng và cao cát.

Chim hồng hoàng tên khoa học là Buceros bicornis, là loài ăn tạp. Món ăn ưa thích của hồng hoàng là hoa quả, sâu bọ, côn trùng, thậm chí một số loài gặm nhấm nhỏ và cả các loài chim nhỏ khác. Chúng sống thành đôi suốt đời, nên hồng hoàng còn được mệnh danh là loài chim chung thủy. Tuy nhiên, cũng có khi hồng hoàng hợp thành bầy lên đến 40 cá thể.

Chim cao cát có kích thước nhỏ hơn chim hồng hoàng, với chiều dài khoảng 25-30 cm và cân nặng 100-150 gr. Chim hồng hoàng có chiều dài 30-35 cm, nặng 150-200 gr. Bộ lông của chim cao cát có màu xanh lục, vàng và đỏ, trong khi chim hồng hoàng có màu đỏ, đen và trắng.

Bầy hồng hạc ở Thảo Cầm Viên.

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (hay còn gọi là Sở Thú) vốn là điểm đến quen thuộc của người dân khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận. Hiện ở đây có 1.951 cá thể động vật, 138 loài động vật, 350 loài cây thân gỗ, 20 loài cây trong sách đỏ, 100 loài động vật trong danh sách các loài quý hiếm.

Địa điểm này còn có Bảo tàng động thực vật trưng bày hơn 500 tiêu bản động vật, mẫu xương, mẫu thực vật, thú đột biến từng được chăm sóc tại đây. Bên cạnh việc bảo tồn, Thảo Cầm Viên thực hiện nhiều hoạt động cứu hộ và tái thả động vật, đồng thời tổ chức những khóa học kỹ năng sống và chương trình giáo dục về thiên nhiên môi trường cho trẻ.

Quế Chi (ảnh: NXB Trẻ)