Hội nghị đã biểu quyết thông qua 9 biện pháp chống tham nhũng:
1. Tăng cường giáo dục các đảng viên.
2. Kiện toàn các chính sách pháp luật.
3. Mọi cán bộ đảng viên và công chức phải kê khai tài sản, nhà đất và tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh.
4. Tập trung xem xét các vụ việc nổi cộm, phải xét lại nếu chưa được sự đồng tình của nhân dân.
5. Xử lý người đứng đầu các cơ quan để xảy ra các vụ tham nhũng gây lãng phí lớn.
6. Nghiêm cấm các cán bộ sử dụng công quỹ để biếu xén, quà cáp cấp trên.
7. Đưa 19 điều cấm cán bộ đảng viên vào điều lệ Đảng.
8. Phân công một số uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
9. Tăng cường tổ chức chỉ đạo của T.Ư thực hiện nghị quyết 6 (2).
Về biện pháp kê khai tài sản, ông Thanh phân tích, nếu trước đây Nghị định 64 của Chính phủ chỉ yêu cầu kê khai tài sản đối với cán bộ từ phó phòng cấp huyện trở lên, thì bây giờ trung ương đã thống nhất là mọi cán bộ đảng viên phải kê khai tài sản. Không chỉ kê khai tài sản của đảng viên mà của cả các thành viên trong gia đình, nhất là các tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh. Thủ trưởng đơn vị có quyền yêu cầu người kê khai giải trình nếu không kê khai đầy đủ, thậm chí còn yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra. Trong trường hợp bầu cử hay đề bạt cán bộ, ứng viên đều phải công bố bảng kiểm tra tài sản với cấp trên và với những người bầu cử.
Việc phải kê khai tài sản trên diện rộng sẽ bắt đầu từ năm 2002, sau khi sửa đổi bổ sung Nghị định 64. Hằng năm, đảng viên khai bổ sung lý lịch thì kê khai luôn tài sản của cá nhân và gia đình.
Một vấn đề khác cũng được bàn tới nhiều trong Hội nghị là vấn đề chống lãng phí. Ông Thanh cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ yêu cầu giảm hội họp, lễ lạt, đón tiếp khen thưởng phô trương hình thức. Ở ngành, địa phương chỉ tổ chức lễ kỷ niệm năm chẵn (năm kỷ niệm có số tận cùng bằng 0). Đặc biệt, nghiêm cấm hẳn dùng tiền công làm tiền thưởng, quà tặng...
(Theo Tuổi Trẻ)