- Vừa lành vết thương ở chân, bà đã về nước tái ngộ khán giả. Bí quyết gì giúp bà duy trì phong độ?
- Ai ở tuổi này cũng thích được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu. Nhưng tôi là nghệ sĩ, đam mê ca hát đã thấm vào trong máu, trong tim rồi. Tôi luôn cố gắng không ngừng để mỗi giờ phút ra sân khấu được trọn vẹn. Tôi giữ gìn sức khỏe, tập thể dục và thiền hàng ngày. Thiền giúp tâm hồn tôi tự tại, không lo nghĩ nhiều, tập trung được năng lượng.
Đến giờ, tôi vẫn đi hát và có được sự nghiệp như mong muốn phần lớn nhờ ông xã. Ông ấy hiểu được niềm đam mê nghệ thuật của vợ nên hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất.
- Vì sao ít khi thấy chồng xuất hiện cùng bà?
- Ông chỉ muốn đứng sau lưng tôi. Sống chung hơn 30 năm rồi nhưng không ai biết mặt chồng tôi cả. Không theo tôi đi diễn, anh vẫn xem từng chương trình của tôi qua mạng xã hội, báo chí. Anh nói: "Em là nghệ sĩ, xuất hiện là được rồi. Anh ở bên em, khán giả cũng không biết là ai".
- Chồng hỗ trợ bà ra sao trong hoạt động nghệ thuật?
- Anh vừa là bạn đời, người thầy vừa là khán giả khó tính nhất mà tôi từng gặp. Tuy không phải là nghệ sĩ, anh có trình độ, cho tôi ý kiến mỗi lần có bài hát mới. Anh góp ý từng nốt nhạc, cao độ và cách thể hiện cảm xúc. Nếu chồng chưa hài lòng, tôi phải hát đi hát lại đến khi anh cảm thấy không còn điểm nào chê nữa. Ngày trước, ông xã chỉ yêu nhạc của Thái Thanh. Sau này anh ấy mới chuyển sang mê tôi hát. Có lần anh nói với vợ: "Giọng em lúc đầu không có nhiều ấn tượng, nhưng càng nghe lại càng ghiền".
Chồng biết nếu không cho tôi đi hát thì tôi sẽ "chết". Bởi vậy, tôi muốn đi đâu anh ấy cũng không cấm cản. Tôi nghĩ chúng tôi ở giai đoạn không phải cần có nhau mọi lúc mọi nơi mà vẫn hạnh phúc. Mỗi lần diễn xong một chương trình, tôi chỉ cần gọi cho ông xã nói: "Hôm nay em rất vui" là anh ấy thở phào nhẹ nhõm.
- Cuộc sống hai người ở Mỹ như thế nào?
- Các con của chúng tôi đã có gia đình riêng. Hiện hai vợ chồng sống cùng nhau tại bang Texas, Mỹ. Cuối tuần tôi thường xa chồng để đi diễn. Còn những ngày trong tuần, cả hai quấn quýt, cùng làm vườn, nấu cơm, tận hưởng giây phút bình yên tuổi xế chiều. Chúng tôi đều lớn tuổi rồi, không biết ngày mai ra sao nên cứ vui được phút nào hay phút đó. Thỉnh thoảng, người nào nhớ con cháu thì gọi chúng về quây quần bên mâm cơm.
- Hai người đã đến với nhau từ cơ duyên nào?
- Khi niềm tin vào cuộc sống trong tôi vụn vỡ, anh đến bên cho tôi động lực. Chồng cũ bỏ rơi ba mẹ con tôi ở Việt Nam sang Mỹ, may nhờ có anh ân cần hỏi han, giúp đỡ. Lúc đó chúng tôi chỉ là bạn bè. Sau này, mẹ con tôi cùng vợ con anh ấy sang Mỹ, không may anh lại thất lạc gia đình. Họ sang Pháp và có cuộc sống mới. Anh và tôi sống nương tựa nhau từ đó cho đến nay. Tôi không nghĩ được điều gì khiến tôi và anh gắn bó lâu đến như vậy, có lẽ là duyên phận.
- Ở tuổi 70, cách biểu diễn, xử lý ca khúc của bà khác trước ra sao?
- Tôi không còn trẻ để có thể sáng tạo cách hát mới hay biểu diễn làm sao thu hút khán giả. Tôi nghĩ mọi người yêu mến tôi là vì họ thích những bài, cách hát của tôi hoặc âm nhạc gắn với kỷ niệm một thời của họ. Nếu tôi thay đổi, tôi sợ khán giả la toáng lên và không còn nhận ra Thanh Tuyền. Ở mỗi đêm nhạc, tôi níu chân người mộ điệu bằng cách tích cực giao lưu với họ.
Tôi nghĩ khán giả bỏ tiền mua vé không chỉ nghe ca sĩ hát mà có nhu cầu kết nối, trò chuyện. Ở mỗi tiết mục, trước khi thể hiện tôi đều giới thiệu tác giả, câu chuyện bài hát gắn liền với họ hay kỷ niệm với cuộc đời tôi. Tôi phát hiện, mỗi lần trò chuyện như vậy giữa người hát và người nghe gần gũi nhau hơn, cùng đồng cảm, chia sẻ trong âm nhạc.
- Bà còn mong ước gì trong cuộc sống, sự nghiệp ?
- Tôi không còn mong ước gì cả ngoài việc có được sức khỏe tốt. Tôi đi hát, chỉ dùng 40% cát-xê cho nhu cầu ăn, mặc, ở, phần còn lại tôi dành làm từ thiện. Tôi không để lại tài sản cho con cháu nếu mai này ra đi. Tôi muốn dùng số tiền mình kiếm được giúp đỡ những người khốn khó. Tôi là người đạo Phật, với tôi cuộc sống là cõi tạm nên tôi không mong, không cầu, sống một cách tự nhiên, thoải mái nhất có thể.