Nhạc sĩ Thanh Tùng (phải) và nhà thơ Đỗ Trung Quân.
- Cảm xúc của anh khi trở về với âm nhạc lần này?
- Cách đây 2 tháng, phòng trà Tiếng Tơ Đồng có mời tôi cộng tác một chương trình, có thể xem đó là lời nhắc nhở "trở lại đi, Thanh Tùng". Sự trở lại của tôi, sau 6 năm "im hơi lặng tiếng", không quá sớm và cũng không muộn. Trong đêm nhạc sắp tới, tôi muốn chia sẻ cảm xúc của mình cho những người quan tâm đến âm nhạc của tôi. Còn lúc này, tôi cảm thấy xấu hổ khi đã xa rời khán giả của mình quá lâu.
- Anh nói nếu chương trình của anh được làm muộn hơn thì chắc chắn sẽ hay hơn. Vậy anh đã chuẩn bị như thế nào để sự xuất hiện "sớm" này vẫn hấp dẫn?
- Âm nhạc của tôi đã được trải nghiệm trong đời sống âm nhạc TP HCM, thị trường âm nhạc khó tính. Một chương trình kéo dài hơn 2 giờ với 23 ca khúc, và làm sao để tất cả đều thuyết phục người nghe, không phải dễ. Nhưng tôi hoàn toàn tự tin.
- Với anh, "phải yêu mới có cảm xúc để viết, dù tình yêu đó bị từ chối, hay đơn phương". Ba sáng tác mới của anh ("Lời chim đỗ quyên", "Đếm lá ngoài sân", "Cơn bão nghiêng đêm") mang những tâm sự gì từ tình yêu "mới" đó?
- Tình yêu mới, đơn giản là sự phục sinh của một con người, một tâm hồn. Và đây là tâm trạng mới của tôi: "Giờ ta biết yêu em, dẫu vẫn biết không là lần đầu tiên, lòng như vẫn mong một tình yêu cuối cùng"; "Từ ngày quen em, tôi thật là vui, tôi vui như thể tôi chẳng là tôi. Từ ngày xa em, tôi thật là buồn, tôi buồn như thể tôi chính là tôi...". Với Tôi sẽ kể em nghe, tôi muốn gửi một thông điệp đến những người có hoàn cảnh như tôi: dù thành công hay thất bại, dù hạnh phúc hay bất hạnh, thì tình yêu vẫn cần thiết cho con người.
- Số phận, cuộc đời anh gắn liền với sự nghiệt ngã, nhưng sáng tác của anh đa phần lại lạc quan. Các ca khúc ấy giúp anh những gì trong việc tìm lại bình yên?
- Chúng đã giúp tôi nhiều trong cuộc sống. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, nếu mình là kẻ kém may mắn thì đừng nên đem điều đó áp đặt cho người khác.
- Đã có "Tôi sẽ kể em nghe", anh nghĩ sao về chuyện một ngày sẽ tiết lộ tâm hồn ở cõi sâu thẳm, nơi "không thể kể"?
- Trong âm nhạc, không có gì là không thể kể được.
- Anh từng tuyên bố: "Trịnh Công Sơn là người viết tình ca hay nhất thế kỷ". Cảm xúc của anh thế nào khi đặt bút viết về đề tài tình yêu?
- Tôi hơi ngại, nhưng tôi muốn tìm trong công viên âm nhạc và tình yêu của Trịnh Công Sơn một chỗ nào đó để có thể trồng một bụi cỏ nhỏ mang tên Thanh Tùng. Một bụi cỏ nhỏ mà thôi...
- Trở lại với thị trường âm nhạc, anh còn băn khoăn điều gì?
- Thị trường âm nhạc đang "bán" những món hàng chợ. Nên biết rằng, chất lượng mới là quan trọng và vẫn mãi là tôn chỉ của chúng ta. Đừng bao giờ để mình phải xấu hổ khi nghe lại những tác phẩm của chính mình.
- Nếu cho 10 từ để nói về quan niệm âm nhạc, những chiêm nghiệm của anh trong suốt thời gian qua, anh sẽ nói gì?
- Đi. Học. Đọc. Viết. Hội nhập. Giữ gìn bản sắc.
(Theo Thanh Niên)