Từ trái sang, NSND Trần Bình, Thanh Tùng, họa sĩ Hoàng Hà Tùng. Ảnh: Ngọc Trần. |
Khi phóng viên đến, Thanh Tùng đang ngồi ăn cùng những người bạn thân thiết: NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam, họa sĩ Hoàng Hà Tùng. Con trai út của ông là Thông ân cần ngồi bên, gắp thức ăn cho bố. Chưa thể với tay ra xa, cũng chưa nói được nhiều, Thanh Tùng thường cười rất hiền từ, nhẹ nhàng.
Ra Hà Nội từ chiều 14/4, nhưng Thanh Tùng không thể tham dự live show “Lối cũ ta về” một ngày sau đó cùng khán giả như dự định. Bạn bè bảo, ông muốn hình ảnh trước công chúng phải đẹp. Người nghệ sĩ không muốn sự xuất hiện của mình chạm đến lòng trắc ẩn của khán giả. Những ngày đó, Thanh Tùng rất buồn, ông chẳng nói, chẳng cười, lúc nào cũng ưu tư.
Thời tiết dễ chịu của Hà Nội thời gian này cộng với việc gặp lại bạn bè làm Thanh Tùng khỏe lên nhanh. Ông trốn báo chí nhưng ngày ngày gặp gỡ bạn bè thân thiết. Trần Bình là người thường tổ chức các live show cho Thanh Tùng, hiểu rõ những mong muốn, dự định của ông mà không cần trao đổi nhiều lời. Hoàng Hà Tùng gặp Thanh Tùng từ hơn 20 năm trước, khi vẽ cho Thanh Tùng một bức chân dung mà ông rất ưng ý. Cả hai đi chơi với nhau, có chung những khát khao sáng tạo và chung cả những phút ngẫu hứng, bốc đồng nên thường gọi nhau là “Điên anh" và "Điên em”. Hai gã lãng tử trùng tên có những cuộc chơi bất thường, hứng lên là rủ nhau “đi Sài Gòn chơi đi” dù trong túi không có một xu. Hoàng Hà Tùng bảo, rút tiền trong túi ra là chuyện bình thường, rút tiền trong đầu ra mới là bọn điên. Cứ đi đến đâu lại gọi điện cho bạn bè “điều tiền đến”. Dọc đường lúc nào họa sĩ nổi hứng muốn vẽ, nhạc sĩ lại đi lùng mua toan, sơn dầu về và ngồi làm mẫu, chẳng mang cái gì theo nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì.
Nghe bạn ôn lại chuyện xưa, Thanh Tùng ngồi bên tủm tỉm, gật gù. Ông trở nên hoạt bát, vui vẻ, biết đùa với bạn bè bằng những nụ cười, mắt đã long lanh khi nhìn lá rơi. Ông còn tự ngoắc tay kêu nhân viên rót thêm bia mấy lần. Bác sĩ biết hẳn sẽ phản đối nhưng với những người như Thanh Tùng, ngồi cùng bạn bè cố tri mà uống nước lọc là không được. Việc ông từ rượu mạnh chuyển xuống uống bia cũng đã là một thay đổi lớn rồi. Thanh Tùng uống được bia - với bạn bè, người thân của ông, còn là một điều mừng, chứng minh cho việc ông đang khỏe lại, đang luyện tập lại những cảm giác của cuộc sống.
Hoàng Hà Tùng ví, Thanh Tùng bây giờ như một đứa trẻ, cần có thời gian hồi phục và học lại mọi thứ, học lại yêu, học lại cách trò chuyện. Với đà này, một năm nữa thôi, ông sẽ khác hẳn, có thể lại sáng tác được bài hát, lại cảm nhận được cuộc đời. Hiện Thanh Tùng chỉ có thể nói nói “có” - “không”, hoặc một vài từ ngắn nhưng không vì thế mà ông nỡ từ chối một cuộc trò chuyện. Ông gật gù đầy tâm đắc khi được hỏi, sau khi khỏi bệnh, có tiếp tục sáng tác hay không. Nhạc sĩ cũng bày tỏ mong muốn, viết ca khúc nói về chính cuộc đời mình trong giai đoạn bị bệnh, không thể đến được với khán giả. Ông tiếc nuối khi không được dự đêm nhạc “Lối cũ ta về” nhưng hài lòng khi nghe bạn bè kể lại. Nhiều ca sĩ hát sai, hát chênh phô nhưng Thanh Tùng không bận lòng. Ông từng bảo: “Ngay cả tôi bình thường cũng còn hay hát nhầm lời bài hát của mình”. Ông cũng không giận những ca sĩ như Mỹ Dung hứa hẹn ra album nhạc Thanh Tùng nhưng cứ lần lữa mãi. Và ông, lại thêm một lần gật gù đồng tình khi được khen dễ tính. Thành viên nhóm nhạc Những Người Bạn ngày nào còn định ở lại thủ đô chơi thêm ít ngày nữa. Ngắn thì 2-3 hôm, cũng có thể một tuần, nửa tháng - tính nghệ sĩ thường hay ngẫu hứng.
Hai giọng ca của Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam trình bày ca khúc "Hoa cúc vàng" với hình ảnh về người vợ quá cố của nhạc sĩ Thanh Tùng trong live show "Lối cũ ta về" đêm 15/4 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Trần. |
Có thể, Thanh Tùng vui, khỏe khi gặp lại bạn bè vì bình thường ông cô đơn. Trần Bình bảo, Thanh Tùng may mắn nhưng cũng bất hạnh hơn người ở chỗ, ông có người vợ tuyệt vời cả về nhan sắc và nhân cách, nhưng bà ra đi rất sớm, từ những năm đầu thập niên 90, sau 18 năm sánh bước bên ông. Thanh Tùng thường gửi nỗi yêu thương, sự cô đơn, mất mát trong những bài hát như cách trải lòng cùng người vợ đang ở trên thiên đàng. Năm 1998, ông viết Một mình, 2007, ông viết Hoa cúc vàng đều là dành tặng cho mẹ của ba đứa con mình. “Lối cũ ta về” có hình ảnh người vợ quá cố của Thanh Tùng chạy trên màn hình sân khấu. Trước câu hỏi: “Ông có đồng ý với việc đạo diễn đưa hình ảnh vợ mình lên sân khấu không”, Thanh Tùng đưa tay lên ngực run run, ngập ngừng: “Đó là…”. Khi được nhắc lời: “nói thay trái tim anh” - ông reo lên: “À đúng”.
Không còn người vợ thân yêu bên cạnh nhưng Thanh Tùng chưa bao giờ một mình. Ông có ba đứa con hiếu thảo, tuy bận rộn kinh doanh nhưng luôn dành thời gian chăm sóc bố. Những người đã chơi, đã quý Thanh Tùng cũng rất quan tâm đến ông. Ai vào Sài Gòn đều đến thăm. Nhiều khi, con ông còn gọi điện ra Hà Nội mời bạn bè vào chơi với ông vài ngày cho cha đỡ buồn.
Khi được hỏi về mong ước, Thanh Tùng cố gắng diễn tả từng từ, dù vất vả. Ông chọn sự thành đạt của con cái thay vì sức khỏe của mình. Ông hào hứng hẳn lên khi nói về ba đứa con. Thanh Tùng chia sẻ, ông không khuyến khích con cái theo nghề của bố vì đó là nghề rất khổ và khắc nghiệt, ông chỉ muốn họ phát triển tự nhiên, làm những việc mình thích. Rất may, cả ba con Thanh Tùng đều yêu nghệ thuật, trân trọng bạn bè của bố nhưng chọn đi những con đường khác. Nói về con, Thanh Tùng còn tự ngồi nhẩm tuổi của từng người, đứa đầu sinh năm 1972 - năm nay là 39, đứa thứ hai 36, còn út 33 tuổi.
Nhiều báo chí, khán giả gọi Thanh Tùng là người bố vĩ đại vì một mình nuôi ba con thành tài. Khi được hỏi, ông có nghĩ mình đúng như người ta nói hay không, ông cười sảnh khoái: “Đúng”. Là nghệ sĩ nhưng chưa khi nào Thanh Tùng để sự bay bổng của mình lên trên trách nhiệm với các con. Đó cũng là cách để ông tiếp tục thể hiện tình yêu với vợ.
Ngọc Trần