Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM đang kiến nghị Hội đồng cấp Nhà nước về việc đặc cách trao NSND cho ba trường hợp bị loại ở đợt xét duyệt năm nay là NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu. Thanh Tuấn cho biết dù có thêm hy vọng, ông không trông đợi nhiều.
Đây là đợt xét danh hiệu NSND lần thứ hai của Thanh Tuấn, trước đó là vào năm 2015. Sau khi rớt danh hiệu một lần, ông không muốn tiếp tục nộp hồ sơ vì ngại không đủ huy chương nhưng vẫn làm vì Hội sân khấu TP HCM khuyến khích. Khi Thanh Tuấn vượt qua cấp xét duyệt của Hội đồng thành phố, vài đồng nghiệp gửi lẵng hoa chúc mừng ông và Minh Vương sắp có danh hiệu NSND. Tuy nhiên, đầu tháng 7, ông nhận tin bị trượt. "Tôi đắng lòng lắm", ông nói sẽ không làm hồ sơ lần nào nữa.
Thanh Tuấn tâm sự: "Năm nay có nhiều sự kiện ý nghĩa vì kỷ niệm 100 năm ra đời bộ môn cải lương. Vài năm nữa, khi già yếu, việc có danh hiệu hay không với tôi đã vô nghĩa". Hơn 50 năm ca hát, nghệ sĩ được đồng nghiệp, khán giả công nhận sự cống hiến cho nghề. Ông nói thêm: "Tôi đi hát gần cả cuộc đời chẳng lẽ còn chưa bằng hai huy chương vàng. Huy chương, giải thưởng chỉ là cái nhất thời, thi thố thì có thôi. Việc xét NSƯT, NSND bằng huy chương là xúc phạm các nghệ sĩ chân chính".
* Thanh Tuấn ca vọng cổ cùng NSND Lệ Thủy
Vẫn thường xuyên đi hát ở tuổi 70, Thanh Tuấn cho rằng đó là niềm an ủi. Ông đang lưu diễn tại Rạch Giá, Kiên Giang và một số tỉnh miền Tây theo lời mời hát sự kiện, đám cưới của các đơn vị. Mỗi tháng ông có khoảng 15-20 show, mùa mưa ít hơn khoảng 10 show. Ông dự định tổ chức một liveshow chung với Minh Vương.
Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1948 tại Quảng Ngãi. Ông là nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Minh Cảnh, Thanh Sang... Ông từng theo học nhạc sĩ Bảy Trạch (cùng thầy với Minh Vương) về ca tài tử và cải lương. Năm 1965, ông đầu quân vào gánh cải lương Bạch Liên Hoa của bầu hề Ty. Sau đó, ông được giao vai chính Nguyễn Hoàng Minh trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường. Một số vở nổi tiếng khác của ông là Nỗi lòng Chu Văn An, Đường gươm Nguyên Bá... Hồi cuối tháng 5, ông tái xuất với vở Thầy Ba Đợi ở nhà hát Bến Thành, quận 1.
Đầu tháng 7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 77 hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT. NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu không có mặt trong số này. Theo quy định, các hồ sơ đạt tiêu chuẩn phải có 90% tỷ lệ phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Khi ấy, Minh Vương thể hiện sự thất vọng và cảm thấy thiếu công bằng. Trước kiến nghị của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM về việc đặc cách xét danh hiệu NSND, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện nói sẽ trình Thủ tướng về một số trường hợp.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức tám đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Mai Nhật