Tại Hàn Quốc, nơi số ít gia đình quyền lực kiểm soát phần lớn các ngành công nghiệp và người trẻ đang vật lộn với triển vọng nghề nghiệp, làm giàu nhanh không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, khi hãng dược phẩm SK Biopharmaceuticals - thuộc một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc SK Group thực hiện IPO hồi tháng 7, hàng loạt người được cho là đã trở thành triệu phú trong chốc lát.
Theo kế hoạch của công ty, 207 nhân viên của SK Biopharmaceuticals nhận được số cổ phiếu trị giá 119,9 tỷ won (105 triệu USD). Nếu chia đều, con số này tương đương mỗi người nhận được khoảng 11.820 cổ phiếu, tương đương 1,5 triệu USD theo giá hiện tại.
Theo điều khoản chương trình, số cổ phiếu này không thể được bán trong vòng một năm sau IPO. Tuy nhiên, ràng buộc này không áp dụng với những người đã nghỉ việc. Một số nhân viên vì thế đã ngay lập tức làm điều này, một đại diện công ty cho biết. Dù vậy, người này từ chối tiết lộ số lượng cổ phiếu mỗi nhân viên nhận được và số người đã nghỉ việc.
Các chaebol (công ty gia đình) Hàn Quốc, thường được cho là tội đồ khiến khoảng cách giàu nghèo nới rộng, khi kiểm soát gần như mọi ngành công nghiệp và quyền lực được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, những người làm việc cho các công ty có chương trình trả cổ phiếu cho nhân viên thì lại khác. Theo quy định tại Hàn Quốc, những người này sẽ được nhận tối đa 20% cổ phiếu phát hành trong IPO.
Trong trường hợp của SK Biopharmaceuticals, các nhân viên nhận được 2,4 triệu trong số 3,9 triệu cổ phiếu. "Trước năm 2000, việc các nhân viên hoặc thậm chí lãnh đạo nhận được cổ phiếu của công ty rất hiếm. Người ta cho rằng nhân viên nắm cổ phiếu công ty sẽ gây thách thức cho vấn đề sở hữu", Chung Sun-sup, CEO hãng nghiên cứu Chaebul.com tại Seoul cho biết, "Sau khủng hoảng tài chính châu Á, ngày càng nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ đến việc giúp nhân viên có cổ phiếu để họ có động lực đóng góp cho công ty hơn. Hiện tại, ý tưởng này ngày càng được chấp nhận rộng rãi".
IPO tại Hàn Quốc không thường xuyên tạo ra lượng tài sản lớn cho nhân viên như Trung Quốc. Tuy nhiên, trường hợp của SK Biopharmaceuticals lại khác, vì hai lý do. Một là số nhân viên trong chương trình sở hữu cổ phiếu khá nhỏ. Hai là việc IPO diễn ra đúng thời điểm cổ phiếu nhóm công nghệ sinh học được chuộng. Công ty này đã huy động được 959,3 tỷ won - lớn nhất trong 3 năm gần đây tại Hàn Quốc. Mã này cũng tăng giá hơn gấp đôi trong phiên giao dịch đầu tiên.
"Lượng cổ phiếu bán ra không nhiều. Sự khan hiếm đã đẩy giá lên cao hơn kỳ vọng", Han Byung-hwa - nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities giải thích.
Việc tăng địa vị xã hội tại Hàn Quốc đang ngày càng khó khăn, do Covid-19 tàn phá nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 15-29 đã lên gần 11% - cao nhất kể từ năm 1999.
Dù vậy, cũng có vài ví dụ cho thấy cơ hội giàu nhanh tại quốc gia này. Kakao Games làm IPO hồi tháng 9, chia 36,5 tỷ won cổ phiếu cho nhân viên. Công ty có 346 nhân viên, tính đến hết tháng 6. Nhiều người ở các công ty con cũng được nhận cổ phiếu.
Tuy nhiên, chỉ một vài lãnh đạo là thực sự giàu lên. Đồng CEO Kakao Games - người có cổ phần lớn nhất trong công ty này, hiện có tài sản 103 triệu USD.
"Rất khó nói quy định này là để phân phối tài sản từ người giàu nhất đến những người không có gì", Park Ju-gun - Giám đốc CEOScore nhận định, "Tuy nhiên, nó cũng là chất xúc tác để tăng hiệu suất làm việc cho nhân viên, đồng thời cho họ thêm hy vọng, đặc biệt là những người làm ở các công ty mới thành lập".
Hà Thu (theo Bloomberg)