Lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump có sự xuất hiện của nhiều tỷ phú nổi tiếng ở Mỹ, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới hơn nghìn tỷ USD. Không ít người trong số đó đã quyên góp cho chiến dịch tranh cử hoặc lễ nhậm chức của ông.
Nhưng hiện tại, giữa lúc đòn thuế của ông Trump đang khiến thị trường chao đảo và tài sản của nhiều tỷ phú hao hụt, một số đã lên tiếng chỉ trích hoặc đưa ra cảnh báo về hậu quả của chính sách thuế.
Nổi bật trong số này là Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới kiêm cố vấn thân cận của ông Trump. Musk từng nói rất ít về vấn đề thuế quan trước khi Tổng thống Mỹ công bố mức thuế mới với hơn 180 đối tác thương mại ngày 2/4. Nhưng điều đó đã thay đổi cuối tuần qua.
Musk ngày 5/4 chĩa mũi dùi chỉ trích vào một trong những kiến trúc sư giàu kinh nghiệm về chính sách thuế quan của ông Trump, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro. Tỷ phú Mỹ chê bai cố vấn Navarro là người "thiếu kinh nghiệm thực tế và thiên về lý thuyết", thêm rằng việc Navarro có bằng tiến sĩ kinh tế từ Đại học Harvard thật ra là "điều tệ chứ không phải điều tốt" và "khiến cái tôi lớn hơn năng lực thực tế".
Tỷ phú 53 tuổi còn chia sẻ lại bình luận của nhà kinh tế học Mỹ Thomas Sowell, viết rằng "mọi thảm họa trong lịch sử Mỹ đều có vai trò trung tâm của một ai đó đến từ Harvard". Ngày 7/4, ông chia sẻ video về nhà kinh tế học bảo thủ Milton Friedman, người có lập trường chống thuế quan và ủng hộ thị trường tự do.

Tỷ phú Elon Musk (trái) tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 11/2. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Bill Ackman, một trong những người ủng hộ tích cực nhất của ông Trump trên mạng xã hội, cuối tuần qua cũng quay lưng với kế hoạch thuế của Tổng thống Mỹ. Ông mô tả tình hình hiện tại như "cuộc chiến tranh hạt nhân trong lĩnh vực kinh tế", thêm rằng "chúng tôi không bỏ phiếu vì điều này".
Ackman nói công thức mà Nhà Trắng sử dụng, tính mức thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, là sai lầm và dẫn đến thuế nhập khẩu cao bất thường. Ông nhiều lần bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ tạm dừng áp thuế mới.
"Các cố vấn cần thừa nhận sai lầm trước ngày 9/4 và sửa đổi hướng đi trước khi Tổng thống mắc sai lầm lớn vì phép toán tệ hại", ông nói, đề cập tới thời điểm mức thuế đối ứng của ông Trump bắt đầu có hiệu lực.
Ackman cũng chỉ trích cố vấn hàng đầu ủng hộ thuế quan của ông Trump là Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick. Ông nói Lutnick "có lợi khi nền kinh tế của chúng ta sụp đổ" vì các khoản đầu tư riêng và mô tả đó là "xung đột lợi ích không thể giải quyết".
Khoảng một nửa số nền kinh tế trong số 180 đối tác chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, áp dụng từ 9/4.
Trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng nhiều nhất có Liên minh châu Âu (EU), nơi sẽ phải đối mặt mức thuế 20% theo kế hoạch trên, và Trung Quốc, nước sẽ phải chịu thêm 34% thuế ngoài mức 20% hiện tại. Ông Trump ngày 6/4 tuyên bố sẽ áp thêm thuế 50% với hàng Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không rút lại thuế đáp trả 34%.
Giới phân tích nhận xét những lời chỉ trích về thuế quan cho thấy "vết nứt" trên bức tường ủng hộ ông Trump, vốn rất vững chắc trong hai tháng rưỡi đầu nhiệm kỳ hai. Các tỷ phú và những người có tầm ảnh hưởng của đảng Cộng hòa trước đó hầu như im lặng hoặc ủng hộ khi Nhà Trắng cắt giảm bộ máy liên bang, có lập trường căng thẳng với châu Âu và tiến hành chiến dịch trấn áp nhập cư mạnh tay.
Ông Trump dường như không nản lòng trước áp lực dư luận, tuyên bố sẽ không ngừng triển khai thuế quan mới. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng đàm phán với các đối tác, nói rằng "chúng ta sẽ có được các thỏa thuận công bằng và tốt đẹp với mọi quốc gia. Nếu không, chúng ta sẽ không còn gì để làm với họ".
Vết nứt trên bức tường ủng hộ ông Trump có thể thấy rõ nhất ở các doanh nghiệp Mỹ, khi những giám đốc điều hành từng ca ngợi chính sách của Tổng thống giờ phải chạy đua ngăn tác động tiêu cực của đòn thuế mới với chính doanh nghiệp của mình.
Jamie Dimon, giám đốc điều hành JPMorgan Chase và được nhiều người coi là lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất ở Phố Wall, hồi tháng 1 nói với CNBC rằng thuế quan là vũ khí kinh tế có giá trị. Nhưng trong thư gửi cổ đông hàng năm ngày 7/4, ông cảnh báo mức thuế quan mới sẽ dẫn tới lạm phát cả về nhập khẩu và giá cả ở Mỹ.
"Các mức thuế gần đây sẽ làm tăng lạm phát và khiến nhiều người phải cân nhắc về nguy cơ suy thoái", ông viết.
David Ricks, giám đốc điều hành công ty dược phẩm đa quốc gia Eli Lilly của Mỹ, ngày 4/4 đưa ra đánh giá nghiêm trọng về tác động của mức thuế quan mới với doanh nghiệp Mỹ, cảnh báo các công ty có thể phải cắt giảm quy trình nghiên cứu hoặc bộ máy nhân sự.
"Đó là bước ngoặt trong chính sách Mỹ và cảm giác rằng rất khó để đưa mọi thứ trở lại", ông nói với BBC.
Bình luận này hoàn toàn khác giọng điệu lạc quan cuối tháng 2, khi ông cùng Bộ trưởng Lutnick và các quan chức chính quyền hàng đầu thông báo Eli Lilly sẽ đầu tư ít nhất 27 tỷ USD vào mở rộng sản xuất tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 27/2. Ảnh: AP
Tuần trước, một số nhóm thương mại lớn, gồm cả Hiệp hội những nhà sản xuất quốc gia Mỹ, chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump, khi các công ty tìm kiếm tiếng nói tập thể để bày tỏ lo ngại của họ với chính quyền mới.
Trong suốt chiến dịch tranh cử và những tuần đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, một nhóm làm chương trình podcast và những người có ảnh hưởng trên nền tảng trực tuyến đã giúp quảng bá chính quyền mới với hàng triệu người theo dõi họ. Nhưng trong vài ngày qua, một số bắt đầu quay sang đả kích.
Ben Shapiro, người làm chương trình podcast, cảnh báo tầm nhìn của Tổng thống về thương mại quốc tế là "sai lầm". "Do đó, đây là đợt tăng thuế với người tiêu dùng Mỹ", ông nói, thêm rằng nó có thể là một trong những đợt tăng thuế lớn nhất trong lịch sử.
Dave Portnoy, người sáng lập công ty truyền thông Barstool Sports và ủng hộ ông Trump, chỉ trích thuế quan và cho biết đã mất 7 triệu USD cổ phiếu và tiền điện tử.
"Ông Trump đã cố áp thuế mọi nơi. Tôi đã cố gắng để hiểu chúng nhưng không thể. Chúng giống như một biểu thuế thâm hụt thương mại", Portnoy nói.
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng ngày càng lo ngại về mức thuế quan mà ông Trump công bố ngày 2/4, dẫn tới tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán.
"Mọi người sẽ hoảng sợ nếu điều này tiếp tục và bây giờ đã có chút hoảng loạn", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Cramer nói về tâm trạng của các thành viên đảng ở Thượng viện. "Nếu thuế quan bắt đầu làm tổn hại đến những cá nhân một cách đáng kể, ngay cả những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ông Trump cũng có thể lên tiếng chỉ trích".
Tuy nhiên, Cramer cũng thừa nhận hiện tại những lo ngại ngày chưa đủ khiến những người ủng hộ ông Trump đồng loạt quay lưng.
Giữa những lo ngại về thuế quan, 51 thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện ngày 5/4 vẫn bỏ phiếu thông qua khung ngân sách cho ưu tiên lập pháp của Tổng thống Trump, đó là một dự luật lớn về cắt giảm thuế trong nước và tăng tài trợ cho vấn đề an ninh biên giới.
"Tôi yêu Tổng thống Trump và là người ủng hộ mạnh mẽ nhất của ông ấy ở Thượng viện. Tôi nghĩ ông ấy đang làm những điều đáng kinh ngạc trên cương vị Tổng thống", thượng nghị sĩ Ted Cruz, thành viên đảng Cộng hòa, nói.
Dù vậy, Cruz vẫn cảnh báo chiến lược đánh thuế có thể mang lại rủi ro. "Một điều cần hiểu rõ là thuế quan vẫn là thuế. Và nó sẽ đánh vào người tiêu dùng Mỹ", ông nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, BBC, CNBC)