Tổ chức vũ trang Hamas năm 2021 từng tuyên bố họ đã xây dựng mạng lưới đường hầm với tổng chiều dài khoảng 500 km ở Dải Gaza, bằng khoảng một nửa hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố New York.
Quy mô của hệ thống hầm ngầm này vẫn là một bí ẩn đối với tình báo Israel và các đồng minh. Tuy nhiên, sự tồn tại của một "thành trì" dưới lòng đất tại Dải Gaza vẫn là thực tế mà Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không thể làm ngơ một khi họ quyết định tiến quân vào Dải Gaza để "nghiền nát" Hamas.
Tình báo Israel từng gọi mạng lưới đường hầm mà Hamas bí mật xây dựng là "Metro của Gaza", nhằm nhấn mạnh quy mô và mức độ tinh vi của hệ thống này.
Các tay súng Hamas sử dụng mạng lưới đường hầm này để bí mật vận chuyển người và hàng hóa, cất trữ rocket và đạn dược, đặt sở chỉ huy và điều phối hoạt động quân sự. Chiến thuật đó đã góp phần không nhỏ để duy trì sự tồn tại của tổ chức Hamas, giúp họ giành lợi thế trong cuộc đấu trí với tình báo Israel vốn sở hữu công nghệ giám sát điện tử và do thám đường không ưu việt.
"Ở một dải đất hẹp như Gaza, mạng lưới đường hầm này có quy mô rất lớn và rất tinh vi", Daphne Richemond-Barak, chuyên gia về tác chiến dưới lòng đất thuộc Đại học Reichman của Israel, nhận định.
Dải Gaza có diện tích khoảng 365 km2, chịu kiểm soát biên giới chặt chẽ bởi hai nước tiếp giáp là Israel và Ai Cập từ năm 2007, sau khi lực lượng Hamas nắm quyền ở khu vực. Hải quân Israel cũng triển khai lực lượng ở Địa Trung Hải giám sát mọi tàu bè đến gần bờ biển Gaza.
Giới quan sát nhận định, để xây dựng được hệ thống hầm hào khổng lồ dưới lòng đất tại Dải Gaza, Hamas đã tiêu tốn rất nhiều tiền của lẫn nhân lực. Do lệnh phong tỏa hàng chục năm qua của Israel, tổ chức này không sở hữu các loại máy móc hạng nặng để xây dựng đường hầm. Thay vào đó, họ dựa vào các công cụ đơn giản, đào hố sâu vào lòng đất làm lối vào rồi mở rộng mạng lưới đường hầm và gia cố bằng các tấm bê tông đúc sẵn.
Hệ thống đường hầm của Hamas được xây dựng ngay dưới nền móng của một trong những khu đô thị có mật độ dân số cao nhất thế giới, với nhiều công trình cao tầng và nhà ở của dân thường bên trên.
"Đối phó chiến thuật đường hầm vốn đã rất khó ở khu vực rừng núi. Bài toán này còn phức tạp hơn bội phần khi đường hầm tồn tại trong lòng đô thị. Nó làm tăng mức phức tạp cả về chiến thuật, chiến lược, triển khai và đặc biệt là câu hỏi làm cách nào đảm bảo được an toàn cho dân thường khi tấn công", Richemond-Barak phân tích.
Trong hơn một tuần qua, quân đội Israel đã liên tục không kích, pháo kích vào các mục tiêu ở Dải Gaza, nhưng Hamas ngày 16/10 vẫn có thể tiếp tục phóng rocket vào lãnh thổ nước này, cho thấy lực lượng, khí tài của nhóm vũ trang không bị tổn hại quá lớn.
Nhiều khả năng những tổ hợp rocket này đã được Hamas cất giấu trong các đường hầm sâu dưới lòng đất. Họ có thể đưa chúng lên qua các lối bí mật, lắp ráp hoàn chỉnh, khai hỏa vào mục tiêu ở Israel rồi lại nhanh chóng tháo dỡ, đưa trở lại vào đường hầm.
Quân đội Israel còn cho rằng Hamas giam hơn 150 con tin trong các đường hầm này, khiến tình báo của họ không thể định vị được con tin đang ở đâu để mở chiến dịch giải cứu.
Nếu Israel đưa hàng trăm nghìn lính bộ binh vào Dải Gaza, hệ thống đường hầm của Hamas có thể tiếp tục là ưu tiên săn lùng hàng đầu của IDF, tương tự cuộc chiến năm 2014.
Giới lãnh đạo Israel tuyên bố mục tiêu của chiến dịch "Thanh kiếm Sắt" là tiêu diệt Hamas và hủy diệt nguồn lực của tổ chức vũ trang này, nhằm đảm bảo các nhóm vũ trang tại Dải Gaza không thể mở thêm bất kỳ đợt tấn công nào khác nhắm vào người Do Thái.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, IDF buộc phải phá hủy thành trì dưới lòng đất mà Hamas xây dựng hơn một thập kỷ qua. Quân đội Israel đã ra lệnh cho hơn 1,1 triệu dân thường ở phía bắc Dải Gaza nhanh chóng sơ tán về phía nam, dường như để tạo "vùng trắng" giúp họ rảnh tay truy tìm và vô hiệu hóa hệ thống hầm ngầm của đối phương.
Tuy nhiên, phá hủy đường hầm ở Dải Gaza chỉ là giải pháp tình thế, theo Richemond-Barak. Công nghệ do thám và sức hủy diệt của bom đạn không thể chấm dứt hoàn toàn mối đe dọa chừng nào Hamas còn tồn tại, mà sâu xa hơn nữa là mối hận thù giữa Israel và người Palestine không được giải quyết.
IDF từng tuyên bố phá hủy phần lớn hệ thống công sự của Hamas và những đường hầm xuyên biên giới trong nhiều chiến dịch trước đây. Tel Aviv chi hàng tỷ USD cho công nghệ giám sát biên giới và theo dõi di biến động bên trong Dải Gaza, nhưng cuối cùng họ vẫn không kịp trở tay khi bị tấn công vào ngày 7/10.
Một số cựu quan chức Israel cho rằng Hamas chuẩn bị nguồn lực cho cuộc chiến mà không bị phát hiện là nhờ mạng lưới đường hầm giúp họ tránh khỏi tai mắt tình báo công nghệ cao của Israel.
"Không có giải pháp nào hoàn hảo để xử lý mối đe dọa từ chiến thuật đường hầm. Chúng ta không có tổ hợp Vòm Sắt chống đường hầm", Richemond-Barak nói, đề cập đến hệ thống phòng không nổi tiếng của Israel chuyên đối phó với rocket Hamas.
Thanh Danh (Theo CNN)