Hàng trăm chiến binh Hamas trang bị súng máy, súng phóng lựu, thuốc nổ, ngày 7/10 chia làm 6 mũi đồng loạt tấn công các thị trấn, khu định cư Israel dọc biên giới với Dải Gaza.
Hệ thống phòng không bị quá tải trước hàng nghìn quả rocket ồ ạt phóng lên từ Dải Gaza, các chốt gác và hàng rào biên giới thông minh của Israel bị vô hiệu hóa, những tay súng Hamas xâm nhập sâu vào lãnh thổ, tấn công mục tiêu an ninh lẫn dân sự, bắt dân thường lẫn quân nhân đưa về Dải Gaza làm con tin.
Đợt tấn công làm rung chuyển Israel, quốc gia nổi tiếng với năng lực tình báo và mạng lưới do thám hàng đầu thế giới. Tương tự cuộc chiến Yom Kippur vào năm 1973, khi liên quân các nước Arab tấn công bất ngờ và đẩy Tel Aviv vào thế bị động, mạng lưới tình báo Israel lần này đã phạm sai lầm chết người.
"Xét trên phương diện tổ chức lẫn tình báo, đây là thất bại thảm họa. Không còn từ ngữ nào khác để mô tả thực tế này", Khaled Elgindy, chuyên gia Viện Trung Đông tại Mỹ, nhấn mạnh.
Lần gần đây nhất Israel bị kẻ thù xâm nhập lãnh thổ và bắt quân nhân làm con tin là hơn 17 năm trước, nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều. Kể từ cuộc chiến giành độc lập năm 1948, người dân Israel chưa từng chứng kiến cảnh tượng các tay súng đối địch phóng xe trên đường phố, nã đạn vào dân thường, tấn công trực diện căn cứ quân sự và chiếm các khu định cư.
Chuyên gia Elgindy đánh giá chiến dịch tấn công táo bạo với quy mô và độ tinh vi này đã được Hamas lên kế hoạch chuẩn bị trong thời gian dài, ngay trước mắt tình báo Israel nhưng họ hoàn toàn không hay biết.
"Cần hiểu rằng ranh giới giữa Dải Gaza và Israel là một trong những khu vực chịu sự giám sát dày đặc nhất thế giới. Israel kiểm soát vùng trời, vùng biển và ranh giới trên bộ, nên theo lý thuyết, họ phải nắm rõ mọi di biến động ở Dải Gaza", ông nhận định.
Mossad, cơ quan tình báo quốc gia Israel, từng được mệnh danh là "nỗi kinh hoàng" với thế giới Arab. Họ nổi tiếng với những chiến dịch bí mật, giúp duy trì ưu thế trước các nước Arab kình địch cũng như chặn đứng nhiều âm mưu đe dọa tới an ninh quốc gia của Israel.
Hiến pháp Israel không đưa ra các quy định hạn chế tổ chức và quyền lực của Mossad, giúp tổ chức này xây dựng mạng lưới giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của các nhóm vũ trang trong khu vực, đặc biệt là Hamas.
Tình báo Israel từng tuyên bố rằng họ biết rõ vị trí của các lãnh đạo Hamas, chứng minh điều đó bằng các cuộc không kích chính xác, ám sát một số chỉ huy cấp cao của tổ chức này, đôi khi là trong phòng ngủ. Israel cũng biết rõ phải không kích vào đâu để phá hủy mạng lưới đường hầm mà Hamas sử dụng nhằm vận chuyển vũ khí, chiến binh ra vào Dải Gaza.
Mossad còn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo hàng đầu khác như Shin Bet và Aman, cũng như của các quốc gia đồng minh. Nhưng việc lực lượng tình báo hùng hậu như vậy không nhận thấy dấu hiệu chuẩn bị của Hamas cho một chiến dịch phản công lớn được coi là sai lầm "khó chấp nhận", theo Elgindy.
Efraim Halevy, cựu lãnh đạo Mossad, cho rằng riêng quy mô đợt tập kích bằng hơn 4.000 quả rocket của Hamas trong ngày đầu chiến sự "đã vượt xa sức tưởng tượng". Ông tiết lộ giới lãnh đạo tại Tel Aviv chưa từng nghĩ Hamas sở hữu số lượng rocket nhiều đến thế, và cũng chưa bao giờ dự báo số vũ khí này lại có thể hoạt động hiệu quả như vậy.
"Nhìn dưới góc độ tổ chức, đây là một chiến dịch rất thành công và hiệp đồng cực kỳ hiệu quả của Hamas. Chúng tôi đã không phát hiện bất kỳ dấu hiệu báo động nào và hoàn toàn bất ngờ khi giao tranh nổ ra", ông trả lời CNN.
Halevy nhấn mạnh đây là lần đầu tiên lực lượng Hamas từ Dải Gaza xâm nhập sâu vào Israel và kiểm soát các khu dân cư. Hamas có thể đã bí mật sản xuất rocket với số lượng lớn ngay trong Dải Gaza, vận chuyển các linh kiện quan trọng bằng đường biển, thậm chí là huấn luyện sử dụng và xác định trước mục tiêu mà tình báo Israel lẫn đồng minh không hay biết.
Yaakov Amidror, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đánh giá rằng mạng lưới do thám của nước này trong Dải Gaza đã hoạt động không hiệu quả.
Amir Avivi, tướng Israel về hưu, lưu ý rằng tình báo Israel phải phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ để thu thập thông tin do không thể cử điệp viên xâm nhập sâu vào Dải Gaza. Hamas dường như đã tìm ra cách vô hiệu hóa các công nghệ do thám, giám sát của Israel, đánh lừa đối phương về ý định thật sự của tổ chức này trong nhiều tháng chuẩn bị cho chiến dịch.
"Đối phương đã tìm ra cách khắc chế ưu thế công nghệ áp đảo của Israel. Họ ngừng sử dụng những thiết bị công nghệ có nguy cơ lộ thông tin, hay nói cách khác là trở về thời kỳ thô sơ", Avivi nói. Ông cho rằng để đảm bảo bí mật, các chỉ huy Hamas không còn sử dụng điện thoại hay máy tính, chỉ thảo luận kế hoạch tác chiến trong các công trình có khả năng chống nghe trộm.
Một số nhà quan sát nhận định Tel Aviv thời gian qua đã bị phân tâm bởi những vụ đụng độ quy mô nhỏ tại khu vực Bờ Tây, cộng với loạt biến động trên chính trường do chính phủ của Thủ tướng Netanyahu tiến hành cải tổ nền tư pháp gây tranh cãi.
Để tiến hành nỗ lực cải tổ tư pháp, đảng cánh hữu của ông Netanyahu đã tìm kiếm sự ủng hộ từ người định cư Do Thái cực hữu ở khu vực giáp Bờ Tây, Jerusalem, vốn bị người Palestine chỉ trích là "chiếm đất" của họ.
Trong khi đó, tướng Avivi cho rằng giới lãnh đạo Israel đã sai lầm chiến lược trong nhiều năm, khi nhận định không đúng về ý định thật sự của Hamas. Các cơ quan hoạch định an ninh Israel trong những năm qua đánh giá Hamas có tham vọng chính trị ngày một lớn, ưu tiên phát triển Dải Gaza hơn là gây ra xung đột.
Thủ tướng Netanyahu còn phát biểu rằng Tel Aviv nên thay đổi chiến thuật sang ủng hộ Hamas phát triển, đào sâu cạnh tranh chính trị giữa phe Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza. Chính quyền Israel trong vài năm qua đã cấp phép cho hơn 18.000 lao động từ Dải Gaza vào Israel làm việc, với mức thu nhập cao hơn gấp 10 lần công việc ở quê nhà.
"Bất kỳ ai muốn đập tan ý tưởng thành lập Nhà nước Palestine đều nên ủng hộ Hamas và chuyển tiền cho Hamas. Đây là một phần chiến lược của chúng ta: Chia rẽ và cô lập người Palestine ở Gaza khỏi người Palestine ở Bờ Tây", ông nói trong cuộc họp với ban lãnh đạo đảng Likud vào năm 2019.
Trong khi đó, chuyên gia Elgindy thuộc Viện Trung Đông tại Mỹ cho rằng chính phủ Israel đã chủ quan và khinh địch, giữa giai đoạn nỗ lực bình thường hóa quan hệ với khối Arab đang đạt nhiều bước tiến.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain vào năm 2020 đã ký thỏa thuận chấm dứt đối đầu với Israel và bình thường hóa quan hệ. Chính phủ Israel cũng đang thúc đẩy đàm phán bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi, trong đó Mỹ đóng vai trò trung gian.
"Giới lãnh đạo Israel dường như tự huyễn hoặc rằng họ đã bước sang một chương mới trong vấn đề Palestine. Họ không còn xem đó là ưu tiên hàng đầu với cục diện mới tại Trung Đông, trong đó Israel giữ vị thế trung tâm trong hàng loạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, với mục tiêu gần nhất là Arab Saudi", ông nhận định.
Jonathan Conricus, cựu phát ngôn viên quân đội Israel, nói Tel Aviv đã phạm phải sai lầm mang tính hệ thống từ tình báo đến đối ngoại và chính trị, dẫn đến thảm kịch ngày 7/10.
"Đây là thời khắc Trân Châu Cảng của Israel, thời khắc mà toàn bộ quan điểm của Israel sẽ thay đổi hoàn toàn, kể cả với lực lượng tình báo", Conricus nhận định.
Thanh Danh (Theo Al Jazeera, Times of Israel, Hareetz, CNN, Guardian)