Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho VnExpress biết, nội dung làm việc của đoàn sẽ liên quan tới các quyết định giao, thu hồi đất... của UBND huyện Tiên Lãng. Vụ việc do lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo.
"Khi có báo cáo của đoàn thanh tra, Bộ sẽ làm việc với thành phố Hải Phòng", Thứ trưởng Hiển nói.
Nhà của gia đình ông Vươn bị san phẳng, đốt phá sau vụ cưỡng chế, nổ súng ngày 5/1. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trao đổi với VnExpress, một quan chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Bộ đang chờ kết quả xử lý của chính quyền Hải Phòng. "Nếu phán quyết không đúng, chúng tôi sẽ tham gia", quan chức này nói.
Cháu ông Vươn bị xe máy cuốn đứt gân chân: Ngày 26/1 (mùng 4 Tết), người nhà gia đình ông Vươn lên Hà Nội để gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng. Trên đường, cháu Đoàn Vũ Hải (8 tuổi, con chị Phạm Thị Hiền) ngủ gật và bị cuốn chân vào đũa xe máy. Cháu bị lật gót chân và đứt gân chân. Hiện, cháu Hải vẫn phải nằm điều trị tại bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng). |
Cũng theo vị này, diện tích đầm bãi mà gia đình ông Vươn sử dụng là đất nông nghiệp chứ không phải là đất bãi bồi, đất lưu không như một số quan chức Hải Phòng từng phát biểu. "Đất giao cho người dân khai hoang, đưa vào sản xuất ở 4 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nghề muối thì đó là đất nông nghiệp. Chưa kể, nếu gọi là đất bãi bồi lưu không thì tại sao lại giao", ông này cho biết.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, sau đợt giám sát ngày 19-20/1, Mặt trận đã thu thập được nhiều thông tin. Song, với chức năng của mình, Mặt trận sẽ không thay thế các cơ quan pháp luật và chính quyền để giải quyết hay đưa ra kết luận.
"Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và chúng tôi sẽ giám sát một cách tích cực việc xử lý vụ này. Nếu xử lý có vấn đề, chúng tôi sẽ kiến nghị", ông Kim nói. Cũng theo ông, sắp tới, Mặt trận tổ quốc tiếp tục cử đoàn giám sát về Hải Phòng làm việc.
Còn ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, Hội sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên đã được pháp luật quy định mà cụ thể từ vụ việc này là trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn, Chủ tịch Liên Chi hội Nuôi trồng Thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng.
"Hội sẽ bám sát vụ việc, đồng thời theo dõi việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi hội viên của Hội Nghề cá Hải Phòng để kịp thời có ý kiến và có văn bản đề nghị Hải Phòng sớm vào cuộc làm rõ bản chất của vấn đề", ông Thắng nói.
Hiện, luật sư Nguyễn Duy Minh, người nhận bào chữa miễn phí cho ông Đoàn Văn Vươn và người thân trong gia đình đã có mặt ở Hải Phòng. Ông Minh đã tới cơ quan điều tra Hải Phòng làm thủ tục cần thiết để nhận chứng nhận bào chữa.
Ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Vụ nổ súng không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước. Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng của những người trong gia đình ông Vươn, nhiều vấn đề cũng đã được đặt ra như tính pháp lý của quyết định thu hồi đất khai hoang; thẩm phán ký vào thỏa thuận tạo cơ sở cho việc đình chỉ vụ kiện chính quyền của gia đình ông Vươn; cũng như việc chính quyền phá hủy nhà ông Đoàn Văn Vươn ngoài khu vực cưỡng chế. Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND Hải Phòng kiểm tra làm rõ trách nhiệm vụ cưỡng chế đất. Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã vào cuộc |
Nguyễn Hưng