Đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo của UBND Hà Nội, việc thu tiền bán nhà có đưa vào Quỹ phát triển nhà của thành phố không. Theo đoàn kiểm tra, nhiều địa phương đã không đưa số tiền này vào quỹ.
Tại các công ty quản lý nhà, đoàn kiểm tra sẽ tìm hiểu về việc xử lý đơn thư, quy trình bán và thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ mua nhà. Đoàn thanh tra sẽ làm việc với các quận, huyện về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và việc tiếp quản Quỹ phát triển nhà.
Nhiều hộ dân lấn chiếm đất công nên rắc rối khi mua nhà sở hữu nhà nước. Ảnh: PV |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Hà Nội đã bán 90% nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người dân, số còn lại bị vướng thủ tục pháp lý, quy hoạch treo... Do vậy, Bộ cần nắm bắt tình hình để đưa ra những quy định mới về quản lý nhà, và kiểm tra nguồn vốn đưa vào Quỹ phát triển nhà ở để đầu tư xây dựng.
"Hà Nội không có nhiều vụ khiếu nại về bán nhà 61 như ở TP HCM, song có tình trạng bán nhà chậm trễ. Nếu không giải quyết cho người dân, sau này họ phải mua theo giá mới thì rất phức tạp", Thứ trưởng Nam bày tỏ.
Bộ Xây dựng cho hay, đến giữa năm 2011, cả nước bán được 311.740 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước, đạt 84%. Trong đó, Hà Nội bán được 154.918 căn và TP.HCM bán được 95.320 căn. Số nhà ở còn lại là khoảng 94.000 căn, trong đó gần 60.000 căn thuộc diện được bán.
Cơ quan này đang soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 61 để trình Thủ tướng xem xét. Theo đó, giá nhà được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của nhà so với giá nhà ở mới do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán. Giá đất tính theo bảng giá hàng năm do địa phương ban hành, đồng thời căn cứ vào vị trí, số tầng. Nếu giá đất tăng hàng năm, giá nhà bán cho người dân sẽ tăng.
Đoàn Loan