Giám đốc Samsung Pay toàn cầu, ông Thomas Ko vừa có cuộc trao đổi với VnExpress về những trải nghiệm của người tiên phong sau hành trình nỗ lực đưa công cụ thanh toán qua di động đầu tiên vào Việt Nam.
- Ông có thể giải thích Samsung Pay hoạt động trên cơ chế nào?
- Samsung Pay là phương thức thanh toán qua di động hoạt động dựa trên 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là sự đơn giản, khách hàng chỉ cần vuốt lên, xác thực để thanh toán. Thứ hai là vấn đề bảo mật dựa trên nền tảng KNOX mà chúng tôi đã phát minh. Điều thứ ba cũng là điều tạo nên sự khác biệt, đó là độ phủ rất rộng.
Về vấn đề bảo mật, khi sử dụng một phương thức thanh toán như thế này khách hàng luôn quan tâm đến việc có an toàn hay không. Samsung Pay không lưu thông tin thẻ của người dùng, không tham gia vào quá trình thanh toán và cũng không can thiệp vào mỗi giao dịch thẻ. Samsung chỉ cung cấp nền tảng ứng dụng để thuận tiện hơn cho người dùng. Quy trình thanh toán vẫn chỉ là quy trình giao dịch thẻ thông thường.
Với chiếc thẻ tín dụng, khi các bạn quẹt thẻ từ vào máy POS, trong dải từ chứa các thông tin gồm tên người dùng, số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV. Khi tích hợp thẻ vào điện thoại, Samsung không lưu những thông tin này. Đơn vị duy nhất có thông tin là đơn vị chuyển mạch, tức NAPAS, VISA hay Master. Đơn vị chuyển mạch cung cấp một mã token tương ứng lưu lên điện thoại. Mỗi thẻ thực và mã token là một cặp. Đơn vị duy nhất có thể ghép thông tin thẻ và mã với nhau là VISA hay Master. Mà các tổ chức đó đã có những tiêu chuẩn toàn cầu về bảo mật nên khách hàng có thể yên tâm.
- Có phải Samsung tự bó buộc mình khi chỉ áp dụng Samsung Pay trên chiếc điện thoại Samsung, và chỉ ở một số dòng máy?
- Chúng tôi xem Samsung Pay như là một dịch vụ cộng thêm để gia tăng trải nghiệm của người dùng. Vì cuối cùng Samsung cũng là nhà sản xuất phần cứng là chiếc điện thoại. Samsung Pay là tiện ích mà Samsung tạo nên để làm ra giá trị riêng cho sản phẩm của mình.
Điều Samsung Pay là tạo ra một cánh cổng. Chúng tôi không phải là ngân hàng, không phải đơn vị tài chính. Chúng tôi không thu về bất cứ khoản thu nào qua việc giao dịch của người dùng, chỉ đơn giản cung cấp một giải pháp dễ dàng, bảo mật và thuận tiện hơn cho khách hàng.
- Samsung Pay được triển khai tại Việt Nam khá sớm so với các nước khác. Căn cứ để quyết định triển khai ở một thị trường của Samsung là gì?
- Việt Nam là thị trường thứ 19 mà chúng tôi triển khai Samsung Pay từ năm tháng 8/2015. Khi quyết định triển khai ở một điểm nào đó, chúng tôi muốn đến những thị trường mà Samsung đã có nền tảng vững chắc và tiềm năng phát triển, cơ sở hạ tầng cũng đủ đáp ứng. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng dựa vào hai yếu tố này, đó là Samsung có cơ sở vững chắc và tiềm năng phát triển lạc quan.
Khi đến Việt Nam, chúng tôi nhận được sự hợp tác rất tốt từ cơ quan quản lý, NAPAS, các ngân hàng. Tất cả những đối tác mà chúng tôi đã làm việc cùng đều sẵn sàng hợp tác. Việt Nam là một trong số các nước tiếp nhận Samsung Pay rất nhanh. Hình thức thanh toán di động vẫn còn mới ở thị trường Việt Nam. Trước khi sử dụng Samsung Pay, họ cần phải sở hữu thẻ ngân hàng trước. Kể từ khi ra mắt, các số liệu chúng tôi thu thập được cho thấy phản ứng của thị trường Việt Nam với Samsung Pay rất tốt.
- Khi giới thiệu một phương thức thanh toán đột phá chưa từng có trên thị trường Việt Nam, các ông gặp những khó khăn gì?
- Về quá trình triển khai Samsung Pay Việt Nam, cả chúng tôi lẫn các đối tác đều gặp phải những lúng túng nhất định. Hành lang pháp lý của Việt Nam mới có các quy định về trung gian thanh toán, trong khi Samsung Pay không phải là trung gian thanh toán.
Tôi cho rằng công nghệ luôn đi trước, pháp lý luôn đi theo sau. Chắc chắn là Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý sẽ có những cập nhật phù hợp với những thay đổi của thị trường hướng đến mục tiêu xã hội không tiền mặt. Samsung Pay sẽ phối hợp cùng các cơ quan quản lý để giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Là người tiên phong, người đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán di động có thể áp dụng trên diện rộng ở Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng việc thay đổi hành vi của người dùng rất quan trọng. Với lợi thế là độ phủ rộng của thương hiệu Samsung, chúng tôi tự tin rằng với những bước đi và lộ trình cụ thể, Samsung Pay sẽ nhanh chóng được đón nhận tại đây.
- Mới đây Jack Ma tuyên bố sẽ giới thiệu công cụ thanh toán của Alibaba vào Việt Nam, ngoài ra một số phương thức mới khác cũng đang rục rịch xuất hiện. Samsung Pay có e ngại sự cạnh tranh này?
- Trên thực tế, về mảng thanh toán di động chúng tôi cho rằng rào cản duy nhất hiện nay là nhận thức của người tiêu dùng. Để nâng cao mức độ nhận biết cần sự vào cuộc của nhiều bên như ngân hàng, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp. Càng nhiều sự cạnh tranh càng tốt, càng nhiều hoạt động thanh toán phi tiền mặt càng có lợi. Do đó chúng tôi cho rằng việc Jack Ma vào Việt Nam không phải là điều xấu. Một khi nhận thức của người tiêu dùng đủ mạnh, cá nhân tôi hoàn toàn tự tin vào khả năng cạnh tranh của Samsung Pay trên thị trường, về những trải nghiệm mà Samsung Pay mang lại cho người dùng.
- Tại Diễn đàn thanh toán điện tử VEPF mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói về mục tiêu đưa tỷ lệ thanh toán không tiền mặt xuống dưới 10% vào năm 2020. Ông có đánh giá gì về mục tiêu này?
- Theo tôi, điều quan trọng là các bạn đã đặt ra một mục tiêu để hướng tới. Tôi tin rằng để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải đi từ mọi khía cạnh từ chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Chính phủ làm nhiệm vụ thúc đẩy. Các hệ thống cửa hàng lắp đặt cơ sở hạ tầng, kết nối mạng, đặt máy POS. Còn người tiêu dùng nhận ra lợi ích khi thanh toán không tiền mặt như an toàn hơn. Tôi gọi đó là một vòng tròn hệ sinh thái có tác động lên nhau. Tất cả cùng nỗ lực để đẩy nhanh mục tiêu này để thúc đẩy một xã hội không tiền mặt.
Các bạn có thể thấy nhiều tấm gương về thanh toán không tiền mặt đã thành công như ở Thụy Điển, Kenya, hay đang diễn ra Trung Quốc, bắt đầu diễn ra ở Ấn Độ. Trên thế giới có rất nhiều ví dụ để Việt Nam học hỏi. Nhiều nước ở châu Âu cần tới 10 năm cho lộ trình thanh toán không tiền mặt. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ nhanh hơn, chỉ trong vòng 5 năm tới sẽ nhìn thấy sự thay đổi và Samsung Pay sẽ tham gia vào quá trình đó.
- Cá nhân ông là người làm ngân hàng 20 năm ở Mỹ. Ông thấy thế nào khi quay lại Hàn Quốc làm cho Samsung Pay?
- Ở Citibank tại Mỹ tôi là Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng Mobile. Có thể nói ngân hàng là một ngành có tính ổn định. Khi Samsung Pay tiếp cận, tôi rất háo hức trước cơ hội này. Là một người Hàn Quốc tôi cũng luôn nghĩ rằng sẽ có ngày quay lại đất nước. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai nơi này là tốc độ. Ngân hàng là một nơi mà mọi thứ dường như hơi chậm hơn để ngăn ngừa rủi ro tiềm tàng. Còn Samsung là một công ty không ngại thử thách. Và mọi thứ tại đây thay đổi rất nhanh. Khi còn ở New York tôi nghĩ mình đã nhanh lắm rồi. Nhưng khi gia nhập Samsung, tôi đã rất ngạc nhiên thấy mọi thứ thay đổi nhanh chóng ra sao.
Trong hai năm qua, chúng tôi đã triển khai Samsung Pay ở 19 thị trường khác nhau. Các bạn có thể hình dung trong quá trình đó đã bao nhiêu ngân hàng chúng tôi đã gặp, bao nhiêu công nghệ chúng tôi đã đầu tư, bao nhiêu nhiệm vụ đã làm. Đó là khối lượng công việc khủng khiếp. Nhưng một khi Samsung Pay đã thực hiện thì chúng tôi sẽ làm được một cách rất quyết tâm.
Thanh Bình