7h30 sáng, tranh thủ trên đường đi làm, chị Phương (quận Bình Thạnh, TP HCM) ghé mua hộp xôi bắp tại một xe hàng rong trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) và khá bất ngờ khi thấy biểu tượng chấp nhận thanh toán của ví điện tử MoMo. Sau khi hỏi người bán, chị Phương đã mở ứng dụng cài trong điện thoại và quét mã thanh toán khá dễ dàng.
"Tôi khá ngạc nhiên vì hộp xôi chỉ khoảng 10.000 đồng mà giờ cũng có thể thanh toán qua ví điện tử", chị Phương nói.
Không chỉ tại đây, nhiều xe hàng rong tại phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) cũng đã chấp nhận thanh toán qua ví điện tử.
Thực tế, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như cà thẻ, chuyển khoản đã có từ lâu nhưng hầu hết chỉ phổ biến với những món thanh toán lớn. Trong khi đó, những khoản thanh toán nhỏ lẻ như ăn cơm trưa, mua hàng rong trước đây hầu như chỉ nhận tiền mặt.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi rất nhanh trong vòng nửa năm trở lại đây khi ngày càng nhiều quầy hàng, quán ăn có các biểu tượng chấp nhận thanh toán qua các ví điện tử. Bằng cách liên kết với các ví điện tử, các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng thanh toán nhanh chóng bằng cách quét mã QR (QR code) tại các điểm bán hàng này.
Theo thống kê của Ngân hàng Bản Việt, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code và toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán qua hình thức này. Số món thanh toán qua ví điện tử trong quý III/2018 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị thanh toán qua các loại ví điện tử cùng thời gian này tăng 161%.
Đại diện ngân hàng nhận định, có rất nhiều lý do khiến thanh toán qua ví điện tử tăng nhanh. Đầu tiên là dịch vụ này tích hợp rất nhiều tiện ích thuận lợi cho người dùng. Ngoài quét mã QR để thanh toán, ví có thể dùng để mua vé xem phim, nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước, Internet, các khoản vay tiêu dùng, phí bảo hiểm, mua vé máy bay...
Hơn nữa, thao tác thực hiện đơn giản, chỉ cần tải ứng dụng (app) về điện thoại, liên kết với tài khoản ngân hàng là có thể thanh toán bằng ví điện tử. Bên cạnh đó người dùng có thể chuyển khoản nhanh không cần nhớ số tài khoản. Các đơn vị liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Chẳng hạn, tại Bản Việt, thời gian qua, ngân hàng đã hợp tác với các đối tác là các công ty trung gian thanh toán như ZaloPay, Moca... để mang đến cho khách hàng của mình nhiều tiện ích khi liên kết thẻ ATM, thẻ tín dụng.
Với ví điện tử Moca, khách hàng có thể kích hoạt GrabPay by Moca để hưởng ưu đãi khi sử dụng các dịch vụ của Grab như GrabBike, GrabCar, GrabFood, GrabExpress, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn.
Còn với ví điện tử Zalopay, khách hàng chỉ cần nhập mã "BANVIETZP" là có thể nhận quà lên đến 300.000 đồng và rất nhiều chương trình ưu đãi khác.
"Thời gian gần đây khách hàng của Bản Việt rất hài lòng với những tiện ích liên quan đến ngân hàng điện tử mà chúng tôi cung cấp, từ việc thanh toán những khoản giao dịch nhỏ như mua vé xem phim, tiền điện nước đến việc mua các món hàng giá trị như điện máy, điện tử...", đại diện nhà băng cho biết.
Theo các ngân hàng, hiện nay đối tượng trẻ tuổi, dân văn phòng là người cởi mở nhất với các hình thức thanh toán qua ví điện tử. Nhiều ngân hàng đã nhập cuộc, liên kết với các ví nhằm khuyến khích hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, những ngân hàng mới liên kết với ví điện tử thường có các ưu đãi rất lớn để thu hút người dùng, do vậy sẽ có nhiều lợi ích hơn. Bên cạnh đó, người dùng nên chọn những ngân hàng có thể liên kết với nhiều ví cùng lúc, đặc biệt là các ví điện tử thông dụng, nhiều người xài và nhiều khuyến mãi để có thể tận dụng linh hoạt và tối đa hoá các ưu đãi mà các chương trình liên kết mang lại.