Theo chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, xu hướng vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) sẽ mở ra vùng đất mới cho ngành công nghệ tài chính phát triển. Trên nền tảng công nghệ mới sẽ xuất hiện nhiều ứng dụng theo hướng chuyên biệt hóa cho từng lĩnh vực tài chính.
"Nếu trước nay ngân hàng lo hết phần thanh toán, kết nối, cho vay... thì các doanh nghiệp Fintech sẽ là bên thứ ba cung cấp những công nghệ mới này, tiện và thân thiện với người dùng hơn", ông Hiển nói.
Chuyên gia cho rằng thanh toán di động còn tiềm năng phát triển rất lớn. Báo cáo của Nielsen năm 2017 cho thấy tại Việt Nam, cứ 9 người có điện thoại di động thì trong số đó 7 người dùng smartphone. Trong khi đó theo Worldpay, thanh toán di động trong năm 2017 đạt thành tựu đáng ghi nhận với gần 110 triệu giao dịch, tăng trưởng 81% về giá trị so với năm 2016. Còn trên thế giới, thị trường thanh toán điện tử thế giới cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh khi doanh thu đạt 780 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 16%.
"Trong tương lai, không chỉ có điện thoại thông minh mới có thể thực hiện chức năng thanh toán. Xu hướng công nghệ vạn vật kết nối cho phép đồng hồ, thậm chí nhẫn, ôtô, thậm chí là tủ lạnh cũng biết trả tiền", ông Hiển nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina khẳng định các giải pháp thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của toàn thế giới, mở ra cuộc cách mạng toàn cầu về giao dịch thương mại. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được xem là "miền đất hứa" của loại hình giao dịch này với mật độ dân số thuộc top ba Đông Nam Á, tỷ lệ sở hữu điện thoại di động lên đến 72% và hơn 132 triệu thẻ ngân hàng đã được phát hành, theo số liệu tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam - VEPF 2017.
"Thế hệ dân số trẻ thể hiện sự năng động, nhạy bén với công nghệ cùng sự cởi mở với các phương thức thanh toán mới chính là tiền đề quan trọng để các phương thức thanh toán di động ngày càng nở rộ và phát triển", ông Huy nhận định.
Mặt khác, các chuyên gia đánh giá mọi công nghệ phát triển trong tương lai phải đi theo kim chỉ nam là thân thiện với người dùng. Ứng dụng dù mới, độc đáo nhưng nếu quá phức tạp, đòi hỏi người dùng phải am hiểu công nghệ mới có thể sử dụng được thì sẽ không đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là vùng nông thôn.
"Ngược lại, những tính năng giúp tiết giảm thời gian thủ tục thanh toán, tăng tính tiện lợi cho người dùng sẽ được công chúng đón nhận", chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận xét.
Đơn cử như Samsung khá thành công khi tiên phong cung cấp công nghệ thanh toán một chạm Samsung Pay tại Việt Nam nhờ sự tiện lợi. Để thực hiện giao dịch, người dùng chỉ cần vuốt lên từ cạnh dưới màn hình điện thoại, chọn phương pháp xác thực (quét dấu vân tay, mống mắt hoặc nhập mã PIN) và đưa điện thoại vào gần khe kết nối của các máy quẹt thẻ (POS) là hoàn tất thanh toán.
Samsung Pay sử dụng công nghệ số hóa tokenization với nền tảng bảo mật cao cấp Samsung KNOX và các phương pháp xác thực sinh trắc học (quét vân tay, quét mống mắt) hoặc mã PIN nên giảm tối đa nguy cơ rủi ro về bảo mật.
Sau hơn 6 tháng hoạt động kể từ 29/9/2017 đến nay, Samsung Pay đã có gần 400.000 người dùng đăng ký với 500.000 giao dịch thực hiện. Tổng giá trị giao dịch gần 350 tỷ đồng.
Dự kiến thời gian tới, những con số này tiếp tục gia tăng khi Samsung Pay tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác ngân hàng và nâng cấp tính năng. Trong năm nay, người dùng có thể rút tiền ATM qua điện thoại tích hợp ứng dụng này, thanh toán bằng đồng hồ thông minh Gear S3...
Theo đại diện Napas, Samsung Pay hiện kết nối với 15 ngân hàng và 3 tổ chức thẻ, hỗ trợ trên khoảng 270.600 máy POS, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Samsung Pay sử dụng chip MST tương thích với nhiều hệ thống thanh toán cả mới lẫn cũ. Bởi vậy, người dùng có thể giao dịch ở bất kỳ đâu, từ trạm xăng, nhà hàng, rạp chiếu phim hay những nơi nào có máy POS. Ngoài thẻ ATM nội địa Napas, thẻ quốc tế Visa và Mastercard của nhiều ngân hàng cũng có thể thực hiện giao dịch thanh toán thẻ bằng Samsung Pay.
Theo đại diện ngân hàng Maritime Bank, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra rất phổ biến tại các thị trường phát triển. Tại Việt Nam, xu hướng này gia tăng mạnh mẽ trong hơn 5 năm qua với việc mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán trên 200.000 điểm qua máy POS, Mobile POS, QR, thanh toán online... Số lượng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước cũng tăng nhanh chóng.
"Việc hợp tác triển khai công nghệ thanh toán trên thiết bị di động của Samsung thông qua ứng dụng Samsung Pay là một trong những động thái nhằm mang lại cho khách hàng thêm sự lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt", đại diện Maritime Bank nói.
Một ngân hàng khác cũng đang có những động thái tích cực trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là Sacombank. Hầu hết chủ thẻ của nhà băng này đều đã có thể thanh toán qua Samsung Pay, bao gồm thẻ thanh toán Plus, thẻ thanh toán hoặc thẻ tín dụng Visa và Mastercard.
"Đây là bước tiến của công nghệ thanh toán không tiếp xúc mà chúng tôi vừa triển khai nhằm giúp khách hàng rút ngắn thời gian thanh toán, gia tăng tính bảo mật, đồng thời mang đến sự tiện lợi và trải nghiệm thú vị khi giao dịch", ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm thẻ ngân hàng Sacombank khẳng định.
Mặt khác, theo đại diện Shinhan Bank, việc cải tiến công nghệ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thay đổi nhận thức và thói quen thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng. Nhà băng đến từ Hàn Quốc đang từng bước thực hiện chiến lược ngân hàng số để cung cấp nhiều kênh thanh toán không dùng tiền mặt đến người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, Samsung là đối tác chiến lược thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Shinhan Bank trong thời gian tới.
Xu hướng tăng tính tiện dụng cho người dùng thanh toán di động đã khá phổ biển trên thế giới. Năm 2015, hãng phát hành thẻ Mastercard công bố hợp tác với thương hiệu thời trang Ringly (Mỹ) nhằm chế tạo các món trang sức tích hợp tính năng thanh toán một chạm (NFC), từ bông tai, găng tay, cho đến nhẫn và kính mát.
Khảo sát của Visa thực hiện bởi YouGov và Toluna cho thấy 83% người Việt chọn thanh toán không tiếp xúc thay tiền mặt. Còn theo Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu với tổng giá trị hơn 423.000 tỷ đồng, tăng 39% so với củng kỳ 2016.
Hãng nghiên cứu thị trường Statista dự báo đến năm 2030 sẽ có 31 tỷ thiết bị kết nối Internet. Đây là nền tảng cho các doanh nghiệp Fintech khai thác và tung ra những sản phẩm kết hợp giữa dịch vụ tài chính và công nghệ kết nối, mang đến cho người dùng trải nghiệm thuận tiện, nhanh chóng và chính xác hơn.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia nhận định các giải pháp thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của toàn thế giới, mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về giao dịch thương mại. Hãng nghiên cứu thị trường Forrester Research ước tính thanh toán di động toàn cầu sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019, tạo nhiều cơ hội tăng trưởng cho nền tảng thanh toán di động như Samsung Pay.
Khánh Anh