Sân khấu kịch của đôi nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội liên tục sáng đèn từ ngày 23 đến 30/1 (tức mùng 1 đến mùng 8 Tết Nhâm Thìn). Trong 3 vở phục vụ khán giả dịp xuân gồm: Màu của tình yêu, Thử yêu lần nữa và 29 anh về, thì hai vở đầu là kịch cũ dựng lại, còn 29 anh về là vở diễn mới, được Ái Như - Thành Hội xem như món quà đầu năm dành tặng người xem.
Ngọc Tưởng (trái) và Ngọc Lan vào vai đôi tình nhân trẻ của "29 anh về". |
"29 anh về" được Thành Hội dàn dựng dựa trên kịch bản của Hoàng Thái Thanh - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Vở quy tụ dàn diễn viên: Thanh Thủy, Ái Như, Ngọc Tưởng, Ngọc Lan, Quang Thảo, Lương Duyên, Nguyễn Long, Thái Trang, Hoài Thương, Công Danh, Tấn Đạt, Đình Vũ.
Trong gần 3 giờ đồng hồ, vở diễn mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Kịch mở đầu với không gian nhộn nhịp, tấp nập của sân ga Hoài Hương. Nơi chốn lộn xộn này có thằng Tí bán sách dạo, lũ ma cô đầu trộm đuôi cướp, cô Mộng (diễn viên Ngọc Lan) hiền lành, xinh đẹp với quán hàng giải khát con con, anh chàng Thương bán chong chóng có vóc dáng thư sinh, nho nhã (diễn viên Ngọc Tưởng). Và nhất là hình ảnh cô giáo Hoài (Ái Như), mẹ của Thương, một phụ nữ lẩn thẩn vì căn bệnh mất trí nhớ. Ngày 29 tháng nào bà cũng ra ga chờ đón chồng đi tàu từ miền Trung vào để sum họp với gia đình.
Nhịp sống thường ngày của sân ga Hoài Hương bị phá vỡ khi một bà cụ (diễn viên Thanh Thủy) cũng từ miền Trung ra. Khi chân ướt chân ráo xuống tàu ở sân ga, bà cụ bị bọn ma cô chặn đường toan cướp giật. Vừa xuất hiện trên sân khấu ở cảnh diễn này, nghệ sĩ Thanh Thủy khiến khán giả cười ngả nghiêng với dáng điệu lóng ngóng, vừa có chút lẩm cẩm vừa có chút trưởng giả, của một bà cụ nhà giàu lần đầu bước lên thành thị.
Tung hứng với diễn viên trẻ Quang Thảo (trong vai đứa cháu ngoại tham lam, ngổ ngáo), mỗi cảnh diễn có Thanh Thủy xuất hiện đều mang đến cho khán giả những trận cười. Ngoài đời, Thanh Thủy là nghệ sĩ tuổi trung niên mang vẻ đẹp mặn mà, xuân sắc của người phụ nữ thành đạt trong cuộc sống, công việc. Vì thế, khán giả thích thú khi chị vào vai bà cụ một cách tự nhiên, từ cái khoác tay, cái lắc đầu đầy cố chấp, giọng nói ề à, càm ràm...
Thanh Thủy (trái) chứng tỏ khả năng diễn hài và bi với vai bà cụ trong vở kịch Tết. |
Tuy nhiên, vai diễn của Thanh Thủy không chỉ là vai hài. Sau những tung tẩy mang đến tiếng cười, chị chợt làm khán giả chùng xuống bởi cách diễn sâu sắc, toát ra từ ngay cả chất giọng, vừa mới ngoa ngoắt đó, lại chợt ngậm ngùi, xót xa khi nói về nỗi đau mất con dâu, mất cháu nội đến nỗi thân già phải lặn lội từ quê đi tìm người thân.
Vào vai người con dâu của bà cụ, nghệ sĩ Ái Như tiếp tục chinh phục khán giả bởi nét diễn mộc mạc, nhẹ như không, với dáng vẻ háo hức mong chờ ngày 29 để được gặp chồng, với ánh mắt ngơ ngác, thất thần của người trót đặt trọn niềm tin vào tình cảm bất biến.
Nhân vật của Ái Như và Thanh Thủy chạm mặt nhau rất ít trong vở diễn, nhưng mỗi lần kết hợp, hai chị cho thấy sự ăn ý, hài hòa trong diễn xuất của những nghệ sĩ lão luyện.
Thanh Thủy và Ái Như (ngồi) tạo thành đôi bạn diễn ăn ý trên sân khấu. |
Nhất là ở cảnh diễn cuối, khi cụ bà chạm mặt người con dâu mà ngày xưa cụ muốn con trai mình phải từ bỏ, Thanh Thủy - Ái Như diễn như thể họ sống trong hoàn cảnh của nhân vật. Từ cuộc chạm mặt ngỡ như đầy xung đột của hai nhân vật, những nút thắt của vở diễn dần dần được cởi bỏ. Khán giả hiểu và đồng cảm vì sao từ một bức điện tín có người vợ ra ga khắc khoải chờ chồng suốt 25 năm, có người con trai sống trong sự giày vò, có người bà ôm nỗi ân hận, day dứt. Suốt 25 năm, những thân phận con người đã vượt qua nỗi đau để sống và hy vọng.
Trong 29 anh về, Thành Hội khéo léo đan cài vào tiếng cười và những giọt nước mắt. Vở kịch đầu xuân này mang đậm phong cách lãng mạn, tâm lý, đề cao những giá trị sống cao đẹp, một dòng kịch mà sân khấu Hoàng Thái Thanh kiên trì theo đuổi. Tuy nhiên, khán giả vẫn thấy tiếc vì đôi chỗ kịch hơi dài dòng. Giá như vở diễn được chắt lọc hơn với thời lượng ngắn hơn một chút, những dồn nén cảm xúc nơi người xem sẽ trọn vẹn hơn.
Không chỉ riêng sân khấu Hoàng Thái Thanh, vào dịp Tết Nhâm Thìn, các sân khấu ở TP HCM liên tục sáng đèn ngay từ ngày mùng 1 (ngày 23/1), phục vụ tối đa nhu cầu giải trí của khán giả thành phố. Sân khấu Phú Nhuận có hơn 10 vở diễn cũ và mới dàn dựng, phục vụ suốt các ngày Tết, với nhiều màu sắc khác nhau, từ tâm lý, tình cảm, hài hước, như: Cưới giùm, Thay rể, Chuyện của sao, Ba sui gia hai đám cưới, Quả tim máu, Sự lừa dối đáng yêu... Sân khấu Thế giới trẻ có: Mua chồng, Hai chàng bảo mẫu, Tình yêu nổi loạn - Câu chuyện chàng gió, nàng mây và cây bất lương, Họa hồn, Lầu hoang... quy tụ dàn diễn viên hùng hậu như: NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Linh Hiền), NSƯT Đàm Loan, Ngọc Trinh, Tiểu Bảo Quốc, Thu Trang, Hoàng Phi, Hữu Tiến, Diễm Phương, Khương Ngọc, Hoàng Phi... Sân khấu kịch Idecaf có: Nhất vợ nhì trời, Bí mật núi Hyma, Cuộc chiến sui gia, Cô dâu chạy trốn, Lẩu trăn, Tía ơi má dìa... với sự tham gia của: NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Hữu Quốc, Hoàng Sơn, Gia Bảo, Nguyệt Ánh, Hùng Thuận, Thanh Thức, Trung Dân, Kiều Mai Lý... Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần có: Đảo thiên đường, Tốt - xấu - giả thật, Kính thưa Ôshin... quy tụ dàn diễn viên: NSƯT Việt Anh, Công Ninh, Cát Tường, Hồng Thắm, Thanh Hoàng, Mỹ Uyên... Ngoài ra, lúc 20h ngày 28/1 (tức mùng 6 Tết Nhâm Thìn), tại Nhà hát Thành phố diễn ra vở cải lương Trúng số độc đắc (tác giả: Loan Thảo, đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu). Đây là vở cải lương hài, mang đề tài xã hội, ca ngợi tình yêu chân chính, đả phá quan niệm thực dụng trong tình yêu. Tham gia vở này có: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thanh Điền, Hồng Nga, Tuấn Thanh, Quế Trân, Trinh Trinh, Linh Huyền, Hoài Trúc Phương, Bảo Trí, Dũng Nhí, Hoàng Lê Hoan và danh hài Tấn Beo. |
Thoại Hà
Ảnh: Nguyễn Á