Từ Australia tới Mỹ, trẻ em nghỉ học tập thể hôm 15/3, tham gia diễu hành trong cuộc đình công toàn cầu đầu tiên về chống biến đổi khí hậu. Sự kiện này cũng diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Uganda, Philippines và Nepal - những đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, theo Guardian.
Hàng chục nghìn học sinh, sinh viên hơn 100 quốc gia đã tham gia bãi khóa, yêu cầu giới chính trị phải giải quyết khẩn cấp điều họ gọi là "tình trạng khẩn cấp cho khí hậu".
Tại Sydney, khoảng 30.000 trẻ em và thanh niên diễu hành từ quảng trường Tòa thị chính tới công viên Hyde Park, sinh viên đại học Xander De Vries, 20 tuổi, cho biết.
"Đây là lúc chúng tôi phải đứng lên. Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa. Chúng tôi phải là người làm nên sự thay đổi. Vì vậy, tôi nghĩ việc có mặt ở đây rất quan trọng, thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn với thế hệ của chúng tôi", De Vries nói.
Sự kiện toàn cầu này được phối hợp qua mạng xã hội với tình nguyện viên từ 125 quốc gia và khu vực, lan rộng thành hơn 2.000 sự kiện với tên gọi "Ngày thứ sáu cho tương lai".
Tại Delhi, hơn 200 trẻ em rời lớp học, phản đối việc chính phủ thờ ơ với khắc phục biến đổi khí hậu. Các cuộc biểu tình tương tự diễn ra ở quy mô nhỏ tại 30 thị trấn và thành phố.
"Ở Ấn Độ, chẳng ai bàn về biến đổi khí hậu. Vấn đề đó không xuất hiện trên bản tin thời sự, trên báo, hay thông báo của chính phủ", Vidit Baya, 17 tuổi, học năm cuối trường công lập MDS ở Udaipur, bang Rajasthan, cho hay.
"Đây là cuộc bãi khóa đầu tiên của chúng tôi và thanh thiếu niên nhiều thành phố tại Ấn Độ đã tham gia phong trào này. Tuy đây là chiến dịch còn non trẻ, chúng tôi rất hài lòng vì đã hành động hôm nay. Chúng tôi đang cố để mọi người nhận thức rõ hơn về biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải giải quyết nó".
Tại Thụy Điển, thanh thiếu niên tập trung ở quảng trường trung tâm Stockholm, nghe Greta Thunberg, 16 tuổi, nói về biến đổi khí hậu. Thunberg đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới về quyết tâm chống biến đổi khí hậu và được đề cử giải Nobel hòa bình.
Khi Thunberg xuất hiện, cả quảng trường hô vang tên cô gái, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt.
"Chúng ta sinh ra ở thế giới này và phải sống chung với cuộc khủng hoảng này, con cái chúng ta, cháu chắt chúng ta cũng thế. Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất của loài người nhưng nó đã bị lờ đi. Những ai lờ nó đi thì tự biết", Thunberg nói.
Lãnh đạo một số nước chỉ trích việc nghỉ học tập thể. Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan cho rằng "học sinh bỏ học đi biểu tình không phải là điều đáng khuyến khích". Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds nhận xét việc bãi khóa đã làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và lãng phí thời gian học tập.
Tuy nhiên, những người tham gia biểu tình đã gạt bỏ chỉ trích.
"Tôi thực sự thất vọng, thực sự tức giận vì không có tiếng nói chính trị, không thể lên tiếng trong cuộc đối thoại biến đổi khí hậu khi mà các chính trị gia Australia từ chối hành động. Vì thế tôi quyết định bãi khóa và bằng cách đó, trẻ em chúng tôi được lắng nghe. Đó là lý do chúng tôi quyết định tiếp tục nghỉ học và cảm thấy đây là việc quan trọng", Jean Hinchcliffe, 14 tuổi, tham gia biểu tình ở Sydney, nói.
Tại Anh, khoảng 10.000 thanh thiếu niên tụ tập ở London, hàng nghìn người khác xuống đường ở Edinburgh và Glasgow cũng như các thành phố và thị trấn khác, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove cho biết. Gove khen ngợi hành động của các em với những nghị sĩ khác.
"Hành động tập thể sẽ tạo khác biệt sâu sắc", Gove nói. "Chúng ta có thể cùng nhau đánh bại biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ phải thay đổi cách tạo ra năng lượng, thay đổi cách xây dựng nhà cửa, thay đổi cách quản lý đất đai và canh tác. Nhưng thay đổi đó hoàn toàn cần thiết".
Ở Tokyo, thanh thiếu niên đã diễu hành qua khu Shibuya của thành phố. Khoảng 130 người, bao gồm sinh viên đại học và học sinh cùng những người ủng hộ, đã tham gia tuần hành từ điểm đại học Liên Hợp Quốc và đi qua nhiều đường phố của thủ đô, bao gồm khu mua sắm Omotesando sầm uất.
"Chúng tôi muốn gì ư? Muốn công lý cho khí hậu? Bao giờ chúng tôi muốn? Ngay bây giờ", Ten Maekawa, 20 tuổi, người dẫn đầu đoàn biểu tình, nói.
Maekawa tin rằng việc huy động thanh thiếu niên tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu rất cần thiết. "Năm 2030, Trái Đất sẽ lâm nguy vì biến đổi khí hậu. Họ là những người chịu trách nhiệm cho tương lai, vì thế, thế hệ trẻ cần lên tiếng về biến đổi khí hậu. Điều này rất quan trọng".
Ở Florida, Mỹ, Marcela Mulholland, 21 tuổi, sinh viên, đã chứng kiến mực nước biển dâng cao đe dọa nhà của mình. Mulholland kêu gọi thanh thiếu niên khắp thế giới tiếp tục chiến dịch này.
Thanh niên nhiều nơi trên nước Mỹ mang theo biển vẽ tay có khẩu hiệu: "Phủ nhận không phải là chính sách" hay "Đấu tranh bây giờ hay ngập trong nước biển về sau".
Hơn một trăm sinh viên diễu hành trên bãi cỏ đồi Capitol ở thủ đô, hô vang "Chúng ta muốn gì? Hành động chống biến đổi khí hậu. Khi nào chúng ta muốn? Ngay bây giờ?" và lắng nghe những người phát biểu của nhóm Giới trẻ Bãi khóa vì Biến đổi khí hậu Mỹ.
"Đây là lúc thế giới lắng nghe thanh thiếu niên, tập trung chú ý vào những gì chúng tôi đang yêu cầu", Maddy Fernands, 16 tuổi, phụ trách truyền thông của nhóm nói.
Isra Hirsi,16 tuổi, con gái của Ilhan Omar -một trong những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội Mỹ năm 2018, là một trong số các thiếu niên phát biểu.
"Chúng ta đang trong thời điểm lịch sử đen tối, nhưng chúng ta là ánh sáng mang lại sự đổi thay", Hirsi nói. "Chúng ta phải chấm dứt khai thác hóa thạch, loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới và để yên chúng dưới lòng đất".