Thần đồng toán học Jason Padgett. Ảnh: index.hr. |
Jason Padgett – một người sống tại thành phố Tacoma, bang Washington, Mỹ - không có bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay bất kỳ bằng cấp nào. Trên thực tế, anh từng vào trường đại học nhưng đã bỏ trước khi tốt nghiệp. Nhưng đột nhiên anh trở thành thần đồng toán học sau khi bị một kẻ xấu tấn công và đánh vào đầu.
Vào một buổi tối trong năm 2002, Padgett vừa bước ra ngoài một câu lạc bộ karaoke thì một kẻ lạ xuất hiện và tấn công anh để cướp chiếc áo khoác da mà anh mặc.
“Tôi thấy một chớp sáng. Sau đó tôi chỉ biết hai đầu gối tôi chạm đất. Quả thực lúc ấy tôi nghĩ tôi sắp bị giết”, người đàn ông 41 tuổi kể với ABC.
Sau sự việc đó bỗng dưng Padgett thấy công thức toán học khắp nơi và anh có thể biến chúng thành các biểu đồ một cách dễ dàng.
Một số bác sĩ đã gặp Padgett và họ nghĩ rằng đó chỉ là một hội chứng rối loạn thần kinh tạm thời. Nhưng dần dần Padgett bị ám ảnh bởi các biểu đồ phức tạp. Trước khi bị kẻ xấu tấn công anh chưa hề được đào tạo về toán và cũng chẳng biết tới khái niệm biểu đồ lẫn chức năng của chúng.
Ngày nay Padgett sử dụng các biểu đồ để minh họa vẻ đẹp của các con số và mối liên hệ giữa chúng với không gian, thời gian và vũ trụ. Rất ít người trên thế giới có thể làm được việc này.
Berit Brogaard, một nhà thần kinh và tâm lý của Đại học Missouri-St. Louis tại Mỹ, cho rằng Padgett mắc “hội chứng Savant”. Do một số vùng trong não của Padgett bị tổn thương, hệ thần kinh của anh phải sử dụng những vùng não mà người khác không bao giờ dùng tới.
“Hội chứng Savant là sự phát triển của một kỹ năng đặc biệt nào đó – như toán học, tư duy không gian, tự kỷ. Những kỹ năng đó phát triển tới mức độ rất cao và biến một người bình thường thành phi thường”, Brogaard phát biểu.
Sau khi bị đánh vào đầu trong năm 2002, Jason Padgett thấy biểu đồ toán học ở khắp nơi. Đồ họa: ABC. |
Nhiều thần đồng khác từng hứng chịu chấn thương não. Kim Peek, một người Mỹ, từng chào đời với một một tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Mặc dù không thực hiện được các động tác vận động thông thường (như cài khuy áo), nhưng Peek có thể nhớ mọi hình vẽ, chữ, số trên giấy ngay cả khi ông đọc hai tờ cùng một lúc. Peek đọc tờ giấy bên trái bằng mắt trái và tờ bên phải bằng mắt phải.
Giống như Padgett, một thần đồng khác – có tên Orlando Serrell – đột nhiên có khả năng khác người sau khi bị một quả bóng chày va vào đầu vào năm 1979, khi anh mới 10 tuổi. Sau khi cảm giác đau đầu tan biến, Serrell phát hiện rằng anh có thể thực hiện nhiều phép tính phức tạp liên quan tới lịch. Ngoài ra Serrell còn có thể nhớ thời tiết từng ngày từ thời điểm quả bóng chày lao vào đầu anh.
Đối với Padgett, mơ ước lớn nhất của anh là dạy người khác về vẻ đẹp của toán học.
“Thỉnh thoảng tôi muốn những biểu đồ trước mắt tôi biến mất, nhưng chúng cứ hiện ra. Nhưng dẫu sao thì khả năng đặc biệt của tôi mang đến nhiều lợi ích hơn phiền toái. Vì thế tôi sẽ không từ bỏ nó để đổi lấy bất kỳ thứ gì”, Padgett đáp sau khi ABC hỏi rằng đã bao giờ anh coi khả năng đặc biệt của bản thân là một gánh nặng.
Minh Long