Tối 4/8, Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn vở kịch Lời nói dối cuối cùng, do NSƯT Chí Trung đạo diễn, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Trước giờ diễn, trời đổ mưa rào. Thế nhưng, lượng người “đội mưa” đến xem vẫn đông. Khán giả phần lớn là cao tuổi và từng xem bản dựng trước đó của vở diễn từ những năm 1990.
Vở kịch mở ra bối cảnh nông thôn Bắc bộ thời xưa. Thuở nhỏ, Cuội thật thà. Lớn lên, anh trở thành kẻ tinh quái, chuyên nói dối. Anh yêu thầm Lụa – cô gái dệt vải xinh đẹp – nhưng không dám tỏ tình. Cuội bày trò, phối hợp công tử Lãn – kẻ lưng gù, háo sắc và ngờ nghệch – để lấy lòng Lụa. Trò đùa của anh gây rắc rối, buộc Cuội phải thú nhận toàn bộ sự việc với Lụa. Để tránh sự truy bắt của công tử Lãn, anh cùng Bờm đưa Lụa lên kinh thành sống. Tại đây, anh giở trò bịp bợm để vào cung, được vua tín trọng và phong chức tước.
Vào vai Cuội, Thanh Sơn được đánh giá cao về diễn xuất. Ở những phân cảnh bịp bợm, động tác và đài từ của anh gây hài hước, lột tả tính ranh mãnh, cợt nhả của kẻ chuyên lừa lọc. Trong đoạn tình cảm, Thanh Sơn thể hiện nội tâm qua giọng nói, ánh mắt. Mỗi lần đối thoại với Lụa, Cuội tỏ thái độ trân trọng, nói những lời chân phương.
Diễn viên thể hiện được phần tốt – xấu đan xen bên trong nhân vật của anh. Cuội yêu Lụa sâu đậm, biết nghĩ cho người yêu và hiểu nỗi khổ của nhân dân lao động. Anh nói dối ông chủ Lãn để giúp Bờm tự do, thoát phận người hầu. Giả thần y, anh đưa ra phương pháp trị bệnh tốt nhất cho vua là phải thường xuyên nghĩ đến văn chương, nhã nhạc, giảm thuế và hạn chế đao binh. Hội thi nhạc diễn ra, vua lãng tai nên chọn lầm người tài. Cuội nghĩ cách đưa nhạc sư bị loại oan vào cung để nghệ nhân hưởng bổng lộc. Xây dựng nhân vật Cuội, cố tác gia Lưu Quang Vũ gửi thông điệp về lòng trung thực. Mọi ý định của Cuội dù tốt đẹp mà xây dựng trên sự giả dối cũng không đem lại hạnh phúc. Điều này thể hiện ở cuối vở kịch khi những người thật thà mà Cuội yêu quý, giúp đỡ từ lời nói dối rời bỏ anh. Cuội thức tỉnh và đau khổ với chính sự dối trá của mình.
Lời nói dối cuối cùng được Lưu Quang Vũ viết năm 1985. So với bản dựng năm 1986, vở diễn do NSƯT Chí Trung đạo diễn đẩy mạnh tính hài hước ở tuyến nhân vật, mảng miếng, đối thoại nhưng không làm mất đi tính chính kịch. Bối cảnh chuyển đổi linh hoạt, tạo sự đối lập giữa làng quê thanh bình với cuộc sống kinh kỳ lộng lẫy nhưng đầy rẫy sự giả dối. Người xem vỗ tay tán thưởng sau mỗi lần chuyển cảnh. Kết thúc đêm diễn, một nhóm khán giả tụm tròn bàn luận về cái hay, khiếm khuyết của vở diễn. Khán giả Ngô Quang Duyệt chia sẻ: “Vở kịch dân gian này cho thấy tài năng vượt bậc của Lưu Quang Vũ. Tác giả có tầm nhìn xa và dự báo những vấn đề nóng của xã hội đương thời. Đó là triều đình mục ruỗng, quan lại bất tài, hèn kém, dễ dàng bị chi phối bởi sự bịp bợm”.
Tuy nhiên, trang phục bị đánh giá thiếu chỉn chu. Diễn viên mặc đồ nhàu nhĩ, lộ rõ những nếp gấp. Ngồi hàng ghế đầu, khán giả Nguyễn Hương (Hà Nội) còn nhìn thấy rõ chỗ rách trên áo của nhân vật đóng vai Lụa.
Vở diễn thuộc liên hoan các tác phẩm của cố kịch gia Lưu Quang Vũ, do Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức. Ngoài Lời nói dối cuối cùng, các nghệ sĩ còn giới thiệu Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ chín đến khán giả thủ đô.
Trọng Trường