Từ sáng 23/9, nhiều tuyến đường tại TP Vinh như Trường Thi, Trần Huy Liệu, Dương Vân Nga, đại lộ Lê Nin, Duy Tân, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Quang Trung... ngập đến nửa mét.
Đường ngập, mưa lớn kèm gió mạnh đúng lúc người lao động đi làm, học sinh đến trường khiến giao thông trên một số tuyến ùn tắc kéo dài hàng trăm mét.
Một số xe máy cố đi qua đường ngập sâu gần 50 cm đã bị chết máy, phải xuống dắt bộ hoặc lội nước tới cơ quan. Nhiều cán bộ, nhân viên, học sinh cũng bị muộn giờ làm và học do tắc đường, ướt hết quần áo.
Tại phường Bến Thủy, nước từ ngoài đường tràn vào một số nhà dân ở khối 10, 13 và 15. Nhiều người vội vã cất đồ điện tử lên cao để tránh hư hỏng.
"Tôi rất lo khi nước dâng nhanh, nhà đã ngập hơn 20 cm và chưa dừng lại. Chồng đi làm, hai mẹ con ở nhà kê đồ đạc không kịp, may mắn là những người hàng xóm đã đến hỗ trợ", chị Nguyễn Thị Tâm, trú phường Bến Thủy, nói.
Hơn 9h, trời vẫn mưa to, xe cứu hộ túc trực trên các tuyến phố để hỗ trợ xe máy, ôtô gầm thấp đi qua đoạn đường ngập sâu như Duy Tân, Dương Vân Nga...
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, một số trường học ở TP Vinh như Tiểu học Nghi Phú, THCS Lê Mao, THCS Nghi Kim, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Hà Huy Tập, trường phổ thông thực hành sư phạm Đại học Vinh đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học trong hôm nay và sẽ có kế hoạch học bù.
Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự Công an TP Vinh cử hàng chục cán bộ phân luồng giao thông, liên tục cập nhật hình ảnh ngập lụt trên các tuyến phố lên Fanpage của đơn vị để người dân theo dõi, cân nhắc tìm đường đi phù hợp.
Tại xã Nghi Ân, nước dâng tràn vào trại gà 10.000 con của anh Nguyễn Học Huy ở xóm Hòa Hợp gây chập điện. Do hệ thống chuồng trại khép kín, sau 10 phút, hơn 9.000 con gà nuôi bên trong bị chết ngạt. Mỗi con gà nặng 2-2,5 kg, tổng trọng lượng khoảng 25 tấn, gia chủ ước tính thiệt hại 1,5 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể huy động nhân lực làm thịt gà, đăng thông tin lên mạng xã hội kêu gọi người dân "giải cứu" gà với giá 40.000-50.000 đồng/kg, nhằm giúp đỡ gia đình anh Huy.
Bốn hôm nay, ảnh hưởng của bão Soulik và không khí lạnh khiến tỉnh Nghệ An mưa lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đường tại một số huyện miền núi phía tây như Đô Lương, Con Cuông, Thanh Chương, Anh Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ...
Hôm qua, nhà sàn của chị Lương Thị Hòa ở bản Mường Phiệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, bị đất đá từ vạt núi sau nhà sạt xuống làm xiêu vẹo, đổ nghiêng, mái tôn bung ra.
Ngày 23/9, chính quyền huyện Quế Phong đã phối hợp với nhiều lực lượng di dời khẩn cấp 26 hộ dân với 126 người ở các xã Thông Thụ, Tri Lễ, Cắm Muộn, Hạnh Dịch và Quang Phong ra khỏi vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở.
Tại Hà Tĩnh, lúc 8h, quốc lộ 8A qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn bị sạt lở, khoảng 500 m3 đất đá cùng một số cây lớn từ mái taluy sạt xuống, chắn ngang mặt đường rộng hơn 10 m khiến giao thông ách tắc, xe ùn ứ hai đầu.
Ông Nguyễn Viết Chiến, Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ Sơn Kim, cho biết lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, lập rào chắn, đưa máy xúc tới hiện trường để san ủi đất đá. Dự kiến trưa nay đường sẽ thông.
2h sáng nay, lực lượng chức năng xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tìm thấy thi thể em Đoàn Bảo Trâm, 11 tuổi. Khoảng 19h hôm trước, Trâm được anh trai Nguyễn Đoàn Anh Quân, 16 tuổi, chở từ nhà ngoại về nhà bằng xe đạp điện. Khi qua ngầm tràn Khe Su cách nhà hơn 30 m, hai em ngã xe và bị nước cuốn.
Ông Phan Văn Tiến, Chủ tịch xã Sơn Lộc, cho biết hơn 22h đêm qua, địa phương mới nhận thông tin và tổ chức tìm kiếm. Sau khi tìm thấy thi thể Trâm và dọn nhà để tổ chức lễ tang mới phát hiện Quân đang hoảng sợ trốn trong nhà, sau khi bơi được vào bờ.
Bão Soulik đổ bộ khu vực giữa Quảng Bình và Quảng Trị chiều 19/9 với sức gió cấp 8 (74 km/h), nhanh chóng suy yếu nên không gây thiệt hại về người và tài sản. Hoàn lưu trước và sau bão gây mưa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh khiến lũ thượng lưu sông Gianh, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố lên báo động 1-2, hiện đã rút dần.
Đức Hùng - Võ Thạnh