Thứ năm, 26/12/2024
Chủ nhật, 20/3/2016, 05:05 (GMT+7)

Thành phố từng bị các đế chế hùng mạnh tranh giành

Từng được cai trị bởi vương quốc và đế chế hùng mạnh nhưng những cuộc chiến tranh liên miên khiến cho Ani dần lụi tàn, giờ đây chỉ còn là một thành phố bị lãng quên.

Được cai trị bởi những vương quốc và đế chế hùng mạnh, từ đế quốc La Mã đến Thổ Nhĩ Kỳ qua hàng thế kỷ, Ani từng là nơi sinh sống của hơn 100.000 cư dân, đồng thời là trung tâm văn hóa và quyền lực của khu vực dưới triều Bagratid Armenia thời trung cổ. Nhưng ngày nay nó chỉ là một thành phố ma trơ trọi trên cao nguyên xa xôi phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ, cách thành phố biên giới Kars 45 km. Những âm thanh của cuộc sống phồn hoa đông đúc xưa kia giờ chỉ còn tiếng gió gào thét qua một khe núi đánh dấu biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Ảnh: Joseph Flaherty

Khi đi dọc những đống đổ nát trong thành phố, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh di tích đã trải qua ba thế kỷ dưới sự cai trị của năm đế chế: Bagratid Armenia, La Mã phương Đông, Seljuk, Georgia và Ottoman. Cao nguyên Ani được nhượng lại cho Nga khi đế chế Ottoman thất bại trong cuộc chiến tranh Nga -Thổ Nhĩ Kỳ (1877-1878). Sau sự bùng nổ của Thế chiến I, người Ottoman đã chiến đấu để lấy lại phía đông bắc Anatolia. Tuy nhiên, mặc dù họ đã chiếm lại được Ani và các vùng lân cận khác nhưng khu vực này vẫn được trao cho Cộng hòa Armenia mới được thành lập. Qua các thời kỳ, thành phố lần lượt được cai trị bởi các đế chế khác nhau, cuối cùng thuộc về cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc chiến tranh giành độc lập ở miền đông vào năm 1920. Ảnh: Linda Caldwell/Alamy

Tàn tích của cây cầu cổ bắc qua dòng sông Akhurian chảy quanh co dưới khe núi hình thành ranh giới tự nhiên là hình ảnh chứng minh cho mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Hai nước này từ lâu đã có xung đột về những vụ thủ tiêu hàng loạt người Armenia diễn ra dưới đế chế Ottoman trong Thế chiến I. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đóng cửa biên giới đất liền với Armenia vào năm 1993 như sự đáp trả lại cuộc xung đột lãnh thổ giữa Armenia và nước đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ - Azerbaijan. Ảnh: Joseph Flaherty

Hiện nay các nhà khảo cổ học và nhà hoạt động xã hội đang nỗ lực không ngừng để đấu tranh chứng minh tầm quan trọng của Ani với tư cách là một di tích thời trung cổ đang dần bị lãng quên. Kết quả thành phố Ani hiện đang có mặt trong danh sách dự kiến công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Với dự án bảo tồn bắt đầu vào năm 2011, giới khoa học đang làm việc hết sức để ngăn chặn bàn tay của thời gian in dấu lên thành phố cổ này. Ảnh: Joseph Flaherty

Vào thời kỳ đỉnh cao trong suốt thế kỷ 11, dân số của Ani lên tới 100.000 người. Những dấu vết khảo cổ học cho thấy nơi đây từng là một thành phố nhộn nhịp đông đúc với vô số nhà cửa và xưởng thủ công.
Được biết đến với tên gọi "thành phố của 1001 nhà thờ", đế chế cai trị Ani và các thương gia đã tài trợ xây dựng một số lượng lớn nhà thờ tự, tất cả được thiết kế rất hoành tráng và kỳ công với lối kiến trúc nghệ thuật vĩ đại nhất vào thời kỳ đó. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích của ít nhất 40 nhà thờ, nhà nguyện và lăng mộ ở Ani. Ảnh: Joseph Flaherty

Một trong những công trình đó là nhà thờ Hagia Sophia. Phần mái vòm của nhà thờ đã bị sụp trong trận động đất năm 1319, sau đó một trận động đất khác phá hủy tiếp góc phía tây bắc. Tuy nhiên, Hagia Sophia vẫn giữ được cấu trúc khung của mình. Nhà thờ này được hoàn thành vào năm 1001 dưới triều vua Armenia Gagik, khi Ani đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự phồn vinh và phát triển. Sau này, chính kiến trúc sư nổi tiếng người Armenia thiết kế nên nhà thờ cũng giúp đỡ Đế chế La Mã phương Đông sửa chữa mái vòm của công trình này. Ảnh: Joseph Flaherty

Đối diện nhà thờ St Gregory Abughamrentsare là một loạt các hang động đào ngoài những phiến đá lớn được cho là có lịch sử lâu đời hơn cả Ani. Qua nhiều kết quả khảo cổ, các nhà khoa học chỉ ra nơi đây chính là những lăng mộ và nhà thờ của người dân Ani xưa kia. Ngoài ra, trong thế kỷ 20, một số trong những hang động này còn được sử dụng làm nhà ở. Ảnh: Linda Caldwell/Alamy

Đế chế Seljuk - nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ở Anatolia cai trị phần lớn khu vực mà ngày nay là phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ và phần đầu Armenia từ giữa những năm 1000. Tuy nhiên, vào năm 1072, nhà nước này đã trao quyền cai trị Ani cho triều đại Hồi giáo gốc Kurd - Shaddadids. Sau đó, người Shaddadids lần lượt cho xây dựng các công trình Hồi giáo ở Ani, trong đó tiêu biểu là nhà thờ Hồi giáo Manuchihr chênh vênh trên vách đá. Từ cuối những năm 1000 đến nay, ngọn tháp của nó vẫn còn đứng vững và những phần còn lại được xây dựng bổ sung từ thế kỷ thứ 12 hoặc 13. Ảnh: Joseph Flaherty

Cho đến nay, mục đích xây dựng ban đầu của nhà thờ Hồi giáo Manuchihr vẫn được tranh luận trên cả Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Một số cho rằng tòa nhà từng là cung điện của triều đại Armenia Bagratid và sau đó mới được chuyển thành nhà thờ Hồi giáo. Số khác lại cho rằng ngay từ đầu công trình này đã là nhà thờ Hồi giáo, chính vì vậy đây là nhà thờ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên tại Anatolia. Từ 1906 - 1918, Manuchihr còn được sử dụng làm nơi lưu giữ và trưng bày những dấu vết khảo cổ của Ani. Từ đây, du khách có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của các dòng sông và phía bên kia của hẻm núi. Ảnh: Joseph Flaherty

Những bức tường thành ở Ani được xây dựng vào thế kỷ 10. Ngày nay, dường như chúng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng trước kia đây là phòng tuyến an ninh vững chắc bảo vệ thành phố chống lại cuộc tấn công bởi các lực lượng quân đội khác nhau. Cùng với người dân Ani, tuyến thành lũy này đã chứng kiến hàng loạt các cuộc xung đột đẫm máu giữa đế chế La Mã và Bagratid, Seljuk.
Mặc dù lịch sử của Ani là một chuỗi các cuộc chiến tranh, nhưng tàn tích còn lại nơi đây cũng chính là những dấu ấn tiêu biểu cho thời kỳ đỉnh cao khi thành phố là nơi tập trung các nền văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật tiêu biểu xưa kia. Ảnh: Joseph Flaherty

Ngọc Mai (theo BBC)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net