Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội 102 km.
Hải Phòng được biết đến với các tên gọi không chính thức như thành phố hoa phượng đỏ (trước đây trồng nhiều cây phượng) hay thành phố cảng (tên gọi không chính thức, phổ biến ở miền Bắc trước năm 1975 do lúc đó Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Theo Cổng thông tin điện tử Hải Phòng, diện tích tự nhiên toàn thành phố là 1.519 km2, bao gồm cả huyện đảo (Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng hội tụ đầy đủ lợi thế về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không.

Cảng Hải Phòng. Ảnh: Vinalines.
Hải Phòng có hệ thống cảng biển hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý phần lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc và cả nước. Trong đó, cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, sản lượng hàng thông qua liên tục tăng cao, đạt trên 80 triệu tấn vào năm 2016.
Ngoài hệ thống cảng biển, Hải Phòng còn có hơn 20 bến cảng khác với các chức năng khác nhau, như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), bến cảng đóng tàu, bến cho tàu vận tải đường sông nhỏ.
Đà Nẵng cũng là thành phố có hệ thống cảng biển lớn ở miền Trung. Cảng Đà Nẵng là thương cảng lớn thứ ba cả nước, có khả năng tiếp nhận các tàu lớn có trọng tải đến 28.000 tấn và dài 220 m.
Tiên Sa là cảng biển nước sâu tự nhiên, có độ sâu lớn nhất là 12 m nước, chiều dài cầu bến là 965 m, bao gồm hai cầu nhô và một cầu liền bờ chuyên dụng khai thác container. Cảng Sông Hàn nằm ở hạ lưu Sông, chiều dài cầu bến là 528 m, thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa nội địa.