Trên bờ biển phủ trắng tuyết của thành phố Luleå, những người đi bơi ngâm mình dưới một cái hố giữa nước biển đóng băng ngày 21/11. Mặt trời đã lặn và lúc này mới 14h. Khoảng một tháng nữa, người dân ở đây sẽ chỉ nhìn thấy ánh mặt trời ba tiếng mỗi ngày.
"Cảm giác ấy giống như niềm vui thoáng qua", Katariina Yliperttula, 44 tuổi, người đang ngâm dưới hố trước khi đi làm, nói. Cô hiếm khi đi bơi mùa hè nhưng vài năm trước, bắt đầu bơi thường xuyên trong mùa đông.
Sở thích riêng như bơi nước lạnh, trượt tuyết, đi bộ trên con đường băng ra quần đảo giúp nhiều người trải qua những tháng mùa đông ảm đạm lạnh lẽo ở Luleå. Nhưng họ vẫn đối mặt chung một vấn đề: cô đơn. Chính quyền thành phố phát động chiến dịch để khắc phục vấn đề này bằng cách khuyến khích người dân chào hỏi nhau.
"Thật tốt khi người ta chào nhau. Những người không quen biết chào nhau khiến họ vui vẻ hơn", Pontus Wikström, 61 tuổi, chủ tịch nhóm bơi mùa đông Kallis Luleå, nói.
Chiến dịch "Säg hej!" (Chào nhau) nhằm mục đích tạo ra bầu không khí thân thiện hơn trong thành phố bằng cách thúc đẩy mọi người hướng đến những tương tác xã hội nhỏ bé nhưng ý nghĩa. Chiến dịch được quảng cáo trên xe buýt và hội thảo trong các trường học.
Nghiên cứu cho thấy 45% người trong nhóm thuộc độ tuổi 16-29 đang gặp vấn đề do cô đơn. Con số này thấp hơn trong nhóm người từ 85 tuổi trở lên, với 39% ở phụ nữ và 26% ở đàn ông.
Micael Dahlen, giáo sư về an sinh, phúc lợi và hạnh phúc tại Trường Kinh tế Stockholm, cho hay cô đơn, đặc biệt ở giới trẻ, là vấn đề toàn cầu và càng rõ rệt ở Thụy Điển, nơi mùa đông ảm đạm lạnh giá kéo dài.
"Cô đơn và thu mình đang là những vấn đề lớn tồn tại ở bất kỳ thời điểm nào trong năm tại bất kỳ nơi nào trên thế giới", ông nói. "Những vấn đề ấy song hành với thời đại chúng ta sống, cũng như lối sống mà chúng ta đang theo. Giờ chúng ta không gặp gỡ nhau nhiều như trước. Điều này càng rõ rệt hơn vào mùa đông, thời điểm chúng ta ít ra ngoài giao lưu hơn".
Åsa Koski, công chức thành phố, là người nảy ra ý tưởng chiến dịch Chào nhau. Luleå đang trải qua thời kỳ phát triển nhanh chóng nhờ thu hút hàng chục nghìn người mới đến làm việc trong các ngành công nghiệp xanh và dịch vụ. Koski không muốn tình trạng cô đơn kéo dài thêm.
"Chúng tôi không chỉ muốn Luleå phát triển như một thành phố. Chúng tôi còn muốn Luleå trở thành một nơi dễ chịu, an toàn và thân thiện, đồng thời làm nổi bật nét văn hóa, các hoạt động giải trí và thể thao của thành phố", Koski nói.
Cô nhận định được người lạ chào hỏi sẽ khiến người ta cảm nhận "mình thuộc về nơi này". "Nghiên cứu chỉ ra cảm giác này ảnh hưởng tới sức khỏe và tạo hiệu ứng muốn giúp đỡ người khác. Nếu bạn chào hàng xóm, bạn dường như phát đi tín hiệu sẵn lòng giúp đỡ họ", cô nói thêm.
Ở trung tâm thành phố, đa số người được hỏi đều cho rằng nên chào hỏi người khác, đồng thời nhận định rằng thành phố càng thu hút đông người từ bên ngoài thì càng thân thiện và cởi mở.
Mee Young Yim, 62 tuổi, từ Mỹ chuyển tới Luleå sinh sống 23 năm trước, cho hay người dân thành phố "đa phần thân thiện" nhưng ban đầu thường dè dặt. "Nhưng nếu bạn nhờ, họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ", bà nói.
Khi mới chuyển tới Luleå, Yim bị sốc văn hóa vì đã quen với cảnh mọi người thường chào hỏi nhau ở Mỹ. "Ở đây, đặc biệt là người lớn tuổi, bạn chào thì người ta chỉ nhìn. Nhưng bây giờ đã khác xưa, bởi ngày càng nhiều người nước ngoài chuyển tới đây sinh sống", bà nhận định.
Thời kỳ đỉnh điểm của Covid-19, nhiều người nói đùa giãn cách xã hội không phải là điều mới đối với người Thụy Điển, bởi họ "vốn thích giữ khoảng cách cá nhân. Quy tắc này áp dụng từ lâu trong mọi khía cạnh đời sống Thụy Điển, từ sắp xếp lối đi trong siêu thị tới chờ ở trạm xe buýt, thậm chí cả khi trời mưa", theo nhà báo Lisa Bjurwald.
"Trước Covid-19 là 50-50: một số người chào hỏi người lạ. Nhưng sau Covid, ai cũng ngại tiếp xúc với người lạ", Seyed Mohsen Hashemi, 25 tuổi, sinh viên sống ở làng Kallax, cho hay tình hình bây giờ nghiêm trọng hơn.
"Khi người ta ít chào nhau hơn, họ ít tiếp xúc với người khác, thu mình hơn và dễ trầm cảm hơn. Một câu chào hỏi có thể mang đến niềm vui cho cả ngày", Hashemi nói.
Anh sinh ra ở Iran, bố mẹ là người Afghanistan, đến tị nạn ở Luleå 9 năm trước. "Tôi đến từ Trung Đông, nơi người ta thường chào nhau. Nhưng ở đây, nếu bạn chào người lạ, họ sẽ nói: 'Anh ta đang say rượu'", Hashemi vừa nói vừa cười.
Theo anh, người Thụy Điển mất nhiều thời gian hơn để làm quen. "Họ có xu hướng quen biết ai đó trong thời gian dài mới bắt đầu thân thiện và cởi mở hơn", anh nói.
Ronja Melin, 33 tuổi, họa sĩ vẽ tranh minh họa chuyển từ Skåne, miền nam Thụy Điển, tới Luleå năm 2020, cho hay luôn ủng hộ mạnh mẽ việc chào hỏi người lạ từ khi còn nhỏ.
Cô đánh giá chiến dịch Chào nhau là bước đi tích cực. "Bạn sống trong thế giới riêng của mình khá lâu", cô nói. "Để ý tới người khác luôn là điều cần thiết".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)