Ngày 23/10, Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh do TP Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức đã diễn ra với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số".
Nhận thức xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết từ năm 2014 thành phố biển đã đưa vào sử dụng hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Đây chính là nền tảng ban đầu cho xây dựng thành phố thông minh.
Thành phố cũng đã ban hành đề án xây dựng thành phố thông minh hơn; thí điểm một số ứng dụng hoạt động thông minh trong lĩnh vực giao thông đô thị, môi trường, kiểm soát thực phẩm, nguồn nước, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, chia sẻ dữ liệu...
Ông Thơ nói, Đà Nẵng xác định việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ là công nghệ hoá việc quản lý, điều hành mà còn là dự án động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã chi 2.200 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm với các công nghệ áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm cho rằng, Đà Nẵng là địa phương sớm nhất trên cả nước phê duyệt đề án thành phố thông minh. Kết quả triển khai đến nay là tích cực. Tuy nhiên, khi xây dựng thành phố thông minh phải có khung dữ liệu, cơ sở hạ tầng dùng chung và phải lấy người dân làm trung tâm.
Cùng quan điểm, ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) nói, dù ứng dụng công nghệ thông tin hay bất kì giải pháp nào, mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng thành phố thông minh là sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc của người dân.
Theo ông Wong, công nghệ cần phải tạo ra sự kết nối giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. "Công nghệ dù mạnh mẽ hay tối ưu như thế nào mà nếu người dân không được tham gia vào quá trình đó thì cũng không có ý nghĩa", ông nói nhấn mạnh công nghệ là xử lý những vấn đề con người gặp phải.
Tại Malaysia, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng hệ thống điều hành giao thông hay triển khai dịch vụ giao thông chia sẻ. Điều này đang giúp giảm được ùn tắc giao thông ở một quốc gia 90% dân số có ô tô.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA, cho rằng Malaysia đã rất đúng khi lấy người dân làm trung tâm khi xây dựng thành phố thông minh. Thực chất, cuộc chuyển đổi số hay Cách mạng cộng nghệ 4.0 đều lấy người dân làm trung tâm. Nhưng vấn đề đặt ra là người dân được phục vụ như thế nào.
Theo ông Bình, đầu tiên phải là việc người dân được hưởng nước sạch; được đi lại mà không bị tắc nghẽn giao thông; đau ốm vào bệnh viện không phải chờ đợi lâu và được chữa trị bằng thuốc tốt; ra đường luôn phải được an toàn, an ninh. Cao hơn là thành phố phải xanh, có không khí trong lành.
Chủ tịch VINASA việc người dân phải có nặng lực về công nghệ mới có thể sống trong thành phố thông minh không thực sự là vấn đề phải quan tâm, lo lắng. Bởi thời đại hiện nay công nghệ và cả thể giới đã được gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần một cái chạm để kết nối.
"Ở Singapore có ứng dụng trên điện thoại khi đi ôtô sóc thì lập tức báo "ôtô sóc" gửi phản ánh đến chính quyền, và nhà nước lập tức phải sửa con đường đó. Thành phố thông minh phải là sự tương tác thường xuyên giữa Chính phủ và người dân, lấy người dân làm trọng tâm", ông Bình nói.
Hơn 30 thành phố ở Việt Nam có đề án và hợp tác xây dựng Smart City, tuy nhiên, đang gặp nhiều vướng mắc. Ông Trương Gia Bình nói, khó khăn trước tiên trong việc xây dựng thành phố thông minh là thay đổi nhận thức. Dù thế giới đã bước sang kỷ nguyên số, thành phố thông minh vẫn là một khái niệm mới.
Kế đến là tiền ở đâu để đầu tư và cơ chế đầu tư như thế nào. "Đây đang là vướng mắc làm chậm tiến độ thành phố thông minh", ông Bình nói và cho rằng tiền thì không hẳn là vấn đề của các công ty công nghệ Việt Nam, nhưng muốn làm nhanh thì phải có cơ chế. "Sự lãng phí thời gian lúc này ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh tương lai của đất nước", ông nói thêm.
Hãng nghiên cứu và tư vấn PwC đưa ra mô hình ba giai đoạn hợp tác PPP xây dựng Smart City cho các thành phố trên thế giới. Đó là xây dựng hạ tầng và thông minh hóa các hạ tầng hiện có; hợp tác phát triển các dịch vụ gia tăng dựa trên hạ tầng số như thanh toán giao thông công cộng, dịch vụ công....; xây dựng hệ sinh thái số với các dịch vụ mới, sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên hãng này cũng cho rằng vấn đề vấp phải của các địa phương là tài chính và cơ chế chính sách.
Nhiều chuyên gia nêu ý kiến, khi nói đến thành phố thông minh là nói đến dữ liệu và hạ tầng dữ liệu phải thông suốt. Không thể bó hẹp dữ liệu trong một thành phố mà phải có hạ tầng dữ liệu cho tất cả các hệ thống hạ tầng quốc gia. Việt Nam cần sớm xây dựng dữ liệu từ nguồn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư.
Ông K Chaicharearn Atibaedya, Chủ tịch Hiệp hội lãnh đạo thông tin ASEAN (ACIOA) đặt vấn đề hiện nay ASEAN có hệ thống thành phố thông minh tại 10 quốc gia, vì sao các thành phố không cùng hợp tác? "Các nước ASEAN đang tập trung xây dựng dữ liệu và chúng ta không nên giới hạn chỉ phục vụ nước mình mà cần mở rộng ra các quốc gia khác", ông nói.