Thành phố rừng hấp thụ carbon
Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một khu đô thị chứa đầy những tòa nhà cao tầng phủ đầy cây xanh dọc theo sông Liễu Giang ở phía bắc Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Thành phố rừng Liễu Châu dự kiến sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2020.
Đây là dự án được thiết kế bởi công ty Boeri Studio, do kiến trúc sư Stefano Boeri đứng đầu. Công ty này từng xây dựng tòa tháp đôi Bosco Verticale ở Milan, Italy, với hai tòa nhà có chiều cao lần lượt là 80 m và 110 m. Các căn hộ trong mỗi tòa nhà đều trồng cây xanh ngoài ban công nên có khả năng hấp thụ CO2.
Thành phố rừng Liễu Châu có 70 tòa nhà nằm trên diện tích 1,4 km2, bao gồm các căn hộ, khách sạn, trường học và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Đây sẽ là nơi sinh sống của 30.000 người. Dự án xây dựng thành phố sử dụng khoảng 40.000 cây xanh, 1 triệu cây bụi và hoa. Chúng có thể hấp thụ 10.000 tấn CO2 và 57 tấn chất ô nhiễm khác mỗi năm, đồng thời giải phóng 900 tấn O2.
Năng lượng cung cấp cho thành phố rừng chủ yếu đến từ các tấm pin Mặt Trời và năng lượng địa nhiệt. Điều này giúp làm giảm lượng khí thải CO2 do các tòa nhà tạo ra. Phương tiện hoạt động trong thành phố là xe điện chạy trên đường ray và một số phương tiện khác.
Ngoài việc cải thiện chất lượng không khí, thành phố rừng Liễu Châu mang đến cho người dân nhiều lợi ích khác tốt đẹp hơn. Cây xanh sẽ giúp chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, hiệu ứng khiến thành phố nóng hơn vùng nông thôn. Chúng cũng giúp làm giảm âm thanh và ô nhiễm tiếng ồn. Sự thay đổi màu sắc của cây xanh và nhiều loài hoa vào mỗi mùa làm thay đổi diện mạo của các tòa nhà theo thời gian.
Nếu dự án thành phố rừng tại Liễu Châu thành công, Trung Quốc dự kiến thực hiện thêm những dự án tương tự tại Thâm Quyến, Thượng Hải, Thạch Gia Trang và Nam Kinh.
Vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà khoa học tại Đại học California, Berkeley, Mỹ, phát hiện ô nhiễm không khí gây ra cái chết của 1,6 triệu người Trung Quốc mỗi năm. Đây là số ca tử vong hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí cao thứ hai trên thế giới, sau Ấn Độ.
Ủy ban về Ô nhiễm và Sức khỏe của tạp chí The Lancet cho biết, có khoảng 9 triệu người trên thế giới chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm như bệnh phổi và ung thư. Con số này cao gấp 15 lần số người bị giết bởi chiến tranh và những hành động bạo lực khác.
Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để hạn chế ô nhiễm, bao gồm dự án xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp gây nhiều tranh cãi và cấm hàng trăm chiếc xe hơi không đạt tiêu chuẩn khí thải. Bắc Kinh cũng có kế hoạch tạo ra một thị trường mua bán phát thải carbon lớn, bằng cách hỗ trợ tài chính cho các công ty muốn làm cho hoạt động của họ trở nên "xanh" hơn.
Trong số những ý tưởng làm giảm khí CO2 đáng chú ý nhất, có lẽ phải kể đến bộ phim hoạt hình của Hayao Miyazaki. Nó đề cập đến các thành phố rừng với cây leo và tòa nhà chọc trời được bao phủ bởi cây xanh. Nghe có vẻ xa vời, nhưng ý tưởng này sắp trở thành hiện thực.