"Cư dân Phoenix nói rằng họ cảm nhận được sự khác biệt", Kate Gallego, thị trưởng thành phố nằm trên vùng sa mạc ở miền tây nước Mỹ, cho biết, nói thêm rằng mặt đường sau khi tráng keo sẽ mát hơn 10-12 độ so với mặt đường nhựa thông thường.
Khoảng 118 km đường ở Phoenix, bang Arizona đã được tráng keo trong dự án Thí điểm Làm mát Mặt đường trị giá 3,3 triệu USD của thành phố.
Biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ ở thành phố nóng nhất nước Mỹ ngày càng tăng. Năm 2020, thành phố này ghi nhận kỷ lục 53 ngày có nhiệt độ trên 43 độ C, khiến gần 200 người thiệt mạng vì nắng nóng.
Các thành phố đang nóng lên gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, do khả năng hấp thụ và giữ nhiệt của các tòa nhà và mặt đường. Phoenix, Los Angeles và Miami đã bổ nhiệm các quan chức phụ trách tìm giải pháp ngăn chặn tác động từ nắng nóng.
Phoenix là thành phố ghi nhận nhiều người chết nhất vì sóng nhiệt ở Mỹ, với trung bình khoảng 300 ca tử vong mỗi năm, nhiều nạn nhân trong số đó là người vô gia cư sống trên đường phố.
"Ở Phoenix, số ca tử vong vì nắng nóng ngang với số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ giết người hàng năm", David Hondula, giám đốc bộ phận ứng phó và giảm thiểu tác động nắng nóng của thành phố, cho biết. "Đây là vấn đề ngày càng tồi tệ, vì vậy chúng tôi cần hành động nhiều hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn".
Thành phố Phoenix cũng đang trồng hàng trăm cây xanh cho bóng mát, song song với thử nghiệm mái nhà phản chiếu ánh nắng và tráng keo mặt đường.
Ngày 21/7, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đưa ra cảnh báo và khuyến cáo về nắng nóng với 28 bang, dự báo hơn 100 triệu người sẽ bị ảnh hưởng, một số bang ghi nhận nhiệt độ vượt 37°C và kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ ở nhiều địa phương.
Trong bài phát biểu ngày 20/7 về khủng hoảng khí hậu ở Somerset, Massachusetts, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói tình trạng nóng lên toàn cầu là "tình huống khẩn cấp", song không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan nắng nóng tại Mỹ.
Đức Trung (Theo CBS News, Guardian)