Thị trưởng Jacob Frey yêu cầu toàn bộ dân thành phố Minneapolis, bang Minesota, không ra đường hàng ngày kể từ 20h tới 6h sáng hôm sau, lệnh giới nghiêm kéo dài cho đến 31/5. Lực lượng thực thi pháp luật, nhân viên cứu hỏa và y tế, binh sĩ Vệ binh Quốc gia được triển khai để giữ trật tự được miễn trừ.
Trong thời gian giới nghiêm, dân chúng không được ra ngoài hoặc tụ họp ở nơi công cộng. Những người vi phạm có thể lĩnh án tù 90 ngày và phải nộp phạt 1.000 USD, theo thông cáo của chính quyền thành phố.
Minneapolis ban hành lệnh giới nghiêm cùng ngày cơ quan chức năng bắt Derek Chauvin, cựu sĩ quan cảnh sát gây ra cái chết cho George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi. Chauvin bị truy tố tội giết người cấp độ ba, vô tình gây ra cái chết cho người khác, và tội ngộ sát do bất cẩn. Ba cựu sĩ quan cảnh sát khác đang bị điều tra và có thể bị truy tố.
Floyd bị bốn cảnh sát khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd trong vài phút, trong khi người đàn ông liên tục cầu xin và nói "tôi không thể thở nổi". Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd bùng phát thành bạo lực tối 27/5. Những người biểu tình trở nên quá khích, ném pháo sáng và đồ vật vào cảnh sát, xông vào đốt phá đồn cảnh sát và cướp bóc các cửa hàng.
Vệ binh Quốc gia Mỹ triển khai 500 binh sĩ tới hai thành phố của bang Minnesota là Minneapolis và Saint Paul để hỗ trợ lực lượng chức năng theo đề nghị của Thống đốc Tim Walz.
Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ cho biết đang điều tra quyết liệt về cái chết của Floyd. Các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd gợi lên ký ức về các cuộc bạo loạn ở Ferguson, bang Missouri, năm 2014, sau khi một sĩ quan cảnh sát bắn chết một thanh niên người Mỹ gốc Phi bị nghi ngờ là cướp.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)