Nằm trong khuôn viên Đại học Michigan (UM) ở Ann Arbor, môi trường thử nghiệm này bao phủ diện tích 129.500 mét vuông (tương đương 24 sân bóng đá) và trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng như một thành phố nhỏ.
Trong Mcity, mạng lưới đường phố được xây dựng hoàn chỉnh với hệ thống vỉa hè, đèn đường, đèn tín hiệu giao thông. Thành phố "giả" này cũng có một vòng xuyến, một cây cầu, một đường hầm, một số đường phố không lát vỉa hè, một đường cao tốc 4 làn với các lối vào và ra. Ngoài ra, khu trung tâm thành phố còn bao gồm mặt tiền mô phỏng các tòa nhà và nhà hàng.
Ý tưởng phía sau Mcity rất đơn giản: thử nghiệm những thành tựu mới của công nghệ xe tự lái trong môi trường không có con người trước khi áp dụng vào cuộc sống.
"Mcity là môi trường mô phỏng thực tế an toàn và được kiểm soát tốt. Tại đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu tiềm năng của các phương tiện tự động có thể biến thành hiện thực một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn như thế nào," Peter Sweatman, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm giao thông tự động hóa (MTC) ở UM, phát biểu.
Những con đường của Mcity được xây dựng nhằm đáp ứng các thử nghiệm "khắc nghiệt và lặp đi lặp lại". Các lái xe trong Mcity không phải đương đầu với người đi bộ thực sự. Tuy nhiên, một robot biết đi tên là Sebastian sẽ đột ngột xuất hiện trên đường để kiểm tra những chiếc xe tự động có phanh kịp hay không.
Bên cạnh việc đánh giá xe tự động không người lái, các nhà nghiên cứu cũng sẽ thử nghiệm những phương tiện tự kết nối. Loại xe này có thể liên lạc với nhau hoặc với các loại trang bị khác, như đèn giao thông nằm gần mặt đường.
Mcity là một phần trong kế hoạch lớn mà MTC và các tổ chức đối tác đang gây dựng nhằm đưa các mẫu xe tự lái và xe tự kết nối vào chạy trên đường phố ở Ann Arbor vào năm 2021. Đại học Michigan và Phòng giao thông bang Michigan hy vọng có thể đưa vào sử dụng 20.000 chiếc xe tự kết nối trên những con đường phía nam bang Michigan.
Phương Hoa (theo Live Science)