Đây cũng được ghi nhận là một trong những cộng đồng có tỷ lệ người thọ cao nhất thế giới. Theo số liệu Liên Hợp Quốc năm ngoái, Nhật Bản dẫn đầu thế giới với tỷ lệ gần 77 người trăm tuổi trên 100.000 dân, tương đương 95.119 người.
Các chuyên gia và chính quyền địa phương Kyotango cho rằng chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống năng động, gắn kết cộng đồng là những yếu tố chính góp phần kéo dài tuổi thọ của cư dân nơi đây.
Cuộc khảo sát của tạp chí Shukan Bunshun với những cư dân trên 100 tuổi cho thấy loại thực phẩm họ dùng thường bao gồm sữa chua, đậu nành, cá, rau, trái cây, rong biển, mì udon và thực phẩm theo mùa.
Họ ăn uống điều độ, không kiêng khem cái gì quá mức. Không ai hút thuốc lá. Rượu cũng không được đề cập, ngoại trừ sake kasu, phụ phẩm từ sản xuất rượu sake, được đánh giá cao cả về hương vị lẫn lợi ích sức khỏe.
Hầu hết họ là cư dân gắn bó cả đời với Kyotango, sống theo nhịp sinh hoạt tự nhiên, tự trồng rau, đánh cá, làm việc ngoài đồng, hít thở không khí trong lành, giữ cơ thể và trí óc năng động.
Qua khám sức khỏe, các mạch máu của họ được cho là trẻ hơn tuổi thật khoảng 10 năm. Cảm giác hài lòng từ sức khỏe tốt cũng góp phần kéo dài tuổi thọ.
Ngoài ra, họ duy trì lối sống tích cực, biết đủ, biết ơn sự sống, không nhất thiết gắn với đức tin hay tín ngưỡng cụ thể.
"Tất cả những điều này có thể giúp sống thọ, nhưng không phải độc quyền của Kyotango", tờ Shukan Bunshun kết luận.
Ở Nhật Bản có nhiều cộng đồng nông thôn tương tự, với môi trường trong lành, chế độ ăn lành mạnh và nếp nghĩ vui vẻ. Kyotango có tỷ lệ người trăm tuổi cao bất thường do dân số ít đi. Dân số nơi đây từng đạt 83.000 vào năm 1950, giờ còn 52.000.
Về tỷ lệ người trên 100 tuổi, quốc gia duy nhất tiệm cận Nhật Bản là Thái Lan. Mỹ xếp thứ hai về số lượng tuyệt đối với 83.732 người tính đến năm 2023, nhưng tỷ lệ thấp hơn. Tuổi thọ trung bình của người Nhật là 50 vào năm 1946 và 60 vào năm 1950, hiện nay tăng lên 85, trong đó việc sống đến 100 tuổi không còn hiếm.
Liên Hợp Quốc ước tính thế giới hiện có từ 722.000 đến 935.000 người trên 100 tuổi, tăng mạnh so với 2.300 người vào năm 1950 và 110.000 vào năm 1990. Đây không chỉ là kéo dài tuổi thọ mà còn là thay đổi cách con người hiểu về cuộc sống.
Ngọc Ngân (Theo Japan Today)