Na Uy là quốc gia đầu tiên có xe điện bán chạy hơn xe chạy xăng, dầu. Nhưng Thâm Quyến, Trung Quốc, lại là thành phố có hệ thống giao thông công cộng chạy điện lớn nhất thế giới, kể từ 2018.
Nếu tính số xe sạc điện (plug-in) ở Na Uy (chiếm 80,66% doanh số trong tháng 1) là rất ấn tượng, thì số lượng 420.000 xe buýt điện đang được sử dụng ở Trung Quốc còn ấn tượng hơn. Tỷ lệ ở Thâm Quyến thậm chí còn hơn thế, khi 100% phương tiện giao thông công cộng là xe điện.
Điện khí hóa đội xe công cộng ở Thâm Quyến là kết quả của kế hoạch dài hơi từ nhiều năm qua. Trong khi mua xe buýt là một khoản đầu tư đầy thách thức, thì thách thức lớn hơn liên quan tới cơ sở hạ tầng, gồm việc tái cơ cấu đường sá hay lắp đặt trạm sạc. Ở Thâm Quyến hiện có hơn 40.000 trạm sạc cho xe điện.
Với cánh tài xế, xe buýt và taxi chạy điện cũng trở nên phổ biến. Họ cho rằng những loại xe này dễ lái hơn, chạy êm hơn, và không khí thải, tức tốt cho sức khỏe hơn. Sự bất tiện là thời gian sạc.
Trong những năm 2015-2020, số ôtô điện ở Thâm Quyến từ con số 0 đạt hơn 80.000 xe. Đội xe vận tải chạy điện (ELV), phần lớn gồm minivan và xe tải hạng nhẹ, chiếm 35% của tổng số xe vận tải ở thành phố này.
Trong số 80.000 xe vận tải điện ở Thâm Quyến, 95% là xe cho thuê, thời hạn cơ bản là 1-2 năm. Và những thỏa thuận thuê xe này là "làm dịch vụ hoàn toàn".
Giá mua một chiếc xe buýt điện vẫn rất đắt, khoảng 278.000 USD, nhưng lại có chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng như địa phương. Các hãng xe buýt được nhận một khoản hỗ trợ khoảng 77.000 USD mỗi năm cho mỗi xe khai thác, gồm 62.000 USD từ chính quyền thành phố và 15.000 USD từ chính phủ nhằm khuyến khích việc sử dụng xe buýt điện.
Với 16.000 xe buýt điện như ở Thâm Quyến, có nghĩa mỗi năm chính phủ Trung Quốc chi khoảng 1,2 tỷ USD.
Xe taxi điện cũng có chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng như địa phương, nhưng với mức thấp hơn, 21.000 USD mỗi xe mỗi năm.
Khoảng 80% xe buýt điện ở Thâm Quyến được sản xuất bởi hãng xe có trụ sở tại chính thành phố này, BYD.
Mỹ Anh (theo Electrek, The Guardian)