Đối với thế hệ của bố Zhu, nhà máy là con đường thoát khỏi đói nghèo nông thôn. Còn đối với Zhu và hàng triệu thanh niên Trung Quốc, lương thấp, giờ làm việc dài và mệt mỏi, nguy cơ tai nạn lao động, không còn là hy sinh đáng giá.
"Sau một thời gian, công việc ấy khiến đầu óc trì trệ", Zhu, 32 tuổi, nghỉ việc nhà máy cách đây vài năm, đang kiếm sống bằng nghề bán sữa công thức và giao hàng cho một siêu thị ở Thẩm Quyến, nói. "Tôi không chịu nổi công việc lặp đi lặp lại".
Việc Zhu và thanh niên trong độ tuổi 20-30 quay lưng với việc làm trong nhà máy đang gây thêm khó khăn cho tình trạng thiếu lao động ở các nhà máy Trung Quốc, nơi sản xuất 1/3 lượng hàng hóa toàn cầu.
Các ông chủ nhà máy tuyên bố sẽ sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, lực lượng lao động trẻ sẽ thay thế lực lượng lớn tuổi. Nhưng việc thanh niên Trung Quốc muốn lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của các nhà máy. Các nhà xưởng nhỏ cho hay đầu tư lớn vào công nghệ tự động hóa là không khả thi hoặc thiếu thận trọng trong lúc nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát và chi phí vay gia tăng.
Hơn 80% các nhà sản xuất Trung Quốc đối mặt tình trạng thiếu lao động từ hàng trăm tới hàng nghìn công nhân trong năm nay, tương đương 10% tới 30% lực lượng lao động của họ, theo khảo sát của CIIC Consulting. Bộ Giáo dục Trung Quốc dự báo nước này thiếu gần 30 triệu công nhân ngành sản xuất vào năm 2025, nhiều hơn cả dân số Australia.
Trên giấy tờ, nguồn cung lao động không thiếu, với khoảng 18% người trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp. Riêng trong năm nay, thị trường lao động có thêm 10,8 triệu sinh viên tốt nghiệp. Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt mức tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ vì đại dịch, thị trường bất động sản suy thoái, siết chặt ngành công nghệ và các ngành khác.
Klaus Zenkel, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu ở miền nam Trung Quốc, chuyển tới khu vực này 20 năm trước, khi số sinh viên tốt nghiệp đại học chưa bằng 1/10 năm nay và nền kinh tế nhỏ hơn 15 lần so với hiện nay. Ông điều hành một nhà máy 50 công nhân ở Thâm Quyến, chuyên sản xuất phòng chắn từ tính dùng để chụp MRI và các thủ thuật khác trong bệnh viện.
Zenkel cho hay tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc những năm gần đây đã nâng tầm khát vọng của thế hệ trẻ, những người đang coi lao động tay chân trong nhà máy là công việc ngày càng kém hấp dẫn.
"Nếu bạn còn trẻ, làm việc này sẽ dễ hơn nhiều, chỉ cần leo thang, làm một số công việc máy móc, điều khiển dụng cụ, nhưng đa số công nhân của chúng tôi đều ở độ tuổi 50-60", ông nói. "Sớm hay muộn chúng tôi cũng phải tuyển người trẻ hơn, nhưng rất khó tuyển. Ứng viên sẽ nhìn qua rồi nói, 'Không, cảm ơn, tôi không muốn làm việc này'".
Các nhà sản xuất cho hay có ba lựa chọn để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, đó là hy sinh biên lợi nhuận để tăng lương, đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa, hoặc chuyển sang những nước có chi phí rẻ hơn. Nhưng tất cả đều khó thực hiện.
Liu, người điều hành một nhà máy trong chuỗi cung ứng pin, đã đầu tư vào thiết bị sản xuất tiên tiến hơn. Ông cho hay công nhân lớn tuổi rất khó bắt kịp với thiết bị mới hoặc đọc dữ liệu trên màn hình. Ông cố gắng thu hút công nhân trẻ bằng mức lương cao hơn 5% nhưng không thành.
"Tình hình bây giờ giống phim hài của Charlie Chaplin", Liu nói, mô tả cảnh làm việc của công nhân giống bộ phim Morden Times năm 1935 về nỗi lo lắng của công nhân các nhà máy Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái. Nhân vật chính Little Tramp do Chaplin thủ vai không theo kịp nhịp độ siết bu lông trên băng chuyền.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc luôn nhấn mạnh tự động hóa và nâng cấp công nghiệp là biện pháp giải quyết tình trạng già hóa lực lượng lao động. Liên đoàn Robot Quốc tế cho hay quốc gia 1,4 tỷ dân chiếm một nửa số lượng robot lắp đặt năm 2021.
Nhưng không phải công việc nào cũng có thể tự động hóa. Dotty, tổng giám đốc một nhà máy xử lý thép không gỉ tại Phật Sơn, đã tự động hóa dây chuyền đóng gói và làm sạch bề mặt, nhưng cho hay để tự động hóa các dây chuyền khác quá tốn kém. Lực lượng công nhân trẻ vẫn rất quan trọng để duy trì sản xuất.
"Sản phẩm của chúng tôi rất nặng, cần người chuyển từ dây chuyền này sang dây chuyền khác. Cần lao động làm việc trong môi trường nhiệt độ cao và chúng tôi gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động cho khâu này", bà nói.
Brett, quản lý tại một nhà máy sản xuất bàn phím và bộ điều khiển trò chơi ở Đông Quan, cho hay các đơn đặt hàng đã giảm một nửa trong những tháng gần đây. Nhiều đồng nghiệp của ông đã chuyển nhà máy sang một số nước Đông Nam Á.
"Tôi suốt ngày suy nghĩ làm thế nào để sống sót qua giai đoạn này", ông nói, cho hay dự kiến sa thải 15% trong số 200 công nhân dù vẫn muốn tuyển người trẻ hơn làm cho dây chuyền lắp ráp.
Sức cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu của Trung Quốc được xây dựng trong nhiều thập kỷ nhờ đầu tư của nhà nước và chi phí lao động rẻ. Nhưng việc duy trì tình trạng này hiện giờ mâu thuẫn với nguyện vọng của thế hệ thanh niên Trung Quốc được học hành cao hơn, muốn có cuộc sống thoải mái hơn là công việc xoanh quanh ăn - ngủ - lao động mà bố mẹ họ từng làm.
Thay vì tìm công việc dưới trình độ học vấn, họ tiếp tục học lên cao hơn. 4,6 triệu người Trung Quốc đăng ký học sau đại học năm nay, là mức cao kỷ lục. Mỗi vị trí tuyển công chức tháng này có tới 6.000 người nộp đơn. Nhưng cũng ngày càng nhiều thanh niên áp dụng lối sống "nằm im", tức là chỉ làm vừa đủ và từ chối phấn đấu.
Các nhà kinh tế học dự đoán những yếu tố thị trường có thể buộc cả thanh niên Trung Quốc lẫn các nhà sản xuất phải kiềm chế tham vọng của mình.
"Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên có thể sẽ tệ hơn trước khi sự lệch pha giữa nguyện vọng của họ và các nhà sản xuất được cải thiện", Zhiwu Chen, giáo sư tài chính Đại học Hong Kong, nói, dự đoán tới năm 2025 có thể không còn thiếu nhiều công nhân nữa "vì nhu cầu chắc chắn sẽ giảm".
Công việc đầu tiên của Zhu là gắn kim cương giả vào đồng hồ đeo tay. Sau đó, anh làm việc trong một nhà máy chuyên đúc hộp thiếc đựng bánh trung thu.
Khi đồng nghiệp kể lại những trường hợp bị tai nạn lao động, anh nhận ra mình có thể tránh lặp lại cuộc đời của bố và quyết tâm nghỉ việc. Bây giờ, công việc giao hàng và bán hàng giúp Zhu kiếm được ít nhất 10.000 tệ (1.420 USD) mỗi tháng, tùy số giờ làm việc. Số tiền này gần gấp đôi lương công nhân nhà máy.
"Công việc rất vất vả, đi lại trên đường nguy hiểm, gặp mưa bão, nhưng với thanh niên, vẫn tốt hơn nhiều so với làm ở nhà máy", Zhu nói. "Bạn cảm thấy tự do".
Xiaojing, 27 tuổi, kiếm 5.000 - 6.000 tệ mỗi tháng (700 - 840 USD) khi làm nhân viên mát xa tại khu thượng lưu ở Thâm Quyến, sau ba năm làm việc tại nhà máy in với mức lương 4.000 tệ (558 USD) một tháng.
"Bạn bè trạc tuổi tôi đều rời nhà máy", cô nói, cho hay rất ít khả năng cô sẽ quay lại. "Nếu họ tăng lương lên 8.000 tệ chưa kể tiền tăng ca thì có thể".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)