Huang năm ngoái tốt nghiệp một trong những ngôi trường hý kịch danh tiếng nhất Trung Quốc. Hồi tháng 12 năm ngoái, cô nhận được lời mời làm việc cho một công ty chuyên tổ chức cho các ban nhạc biểu diễn tại những quán bar ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhưng sau đó, Covid-19 bùng phát, khiến Trung Quốc gần như tê liệt hoàn toàn suốt nhiều tuần liền, kéo theo công việc của Huang cũng biến mất. Huang đành chọn công việc sản xuất phim tự do. Cô phải cắt giảm mạnh chi tiêu trong khi số tiền dành dụm sắp cạn kiệt.
"Đến tận tháng 4 tôi vẫn chưa thể bắt đầu công việc của mình. Tôi cảm thấy thực sự lo lắng", Huang, 24 tuổi, chia sẻ. "Tôi lo cả năm nay mình sẽ không thể kiếm được việc. Tôi không thể chờ đợi mãi".
Mối quan hệ với Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và dự luật an ninh Hong Kong đang khiến Trung Quốc hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ dư luận quốc tế, nhưng vấn đề lớn nhất với Bắc Kinh hiện tại là làm thế nào để tạo ra công ăn việc làm cho người dân sau đại dịch.
Hàng triệu người lao động đã bị sa thải hoặc nghỉ việc không lương trong lúc Trung Quốc dồn sức chiến đấu với dịch bệnh. Những người còn giữ được công việc đa phần đều bị giảm lương và triển vọng tương lai không thực sự khả quan.
Những người trẻ tuổi đang đối diện một thị trường lao động khắc nghiệt chưa từng thấy. Rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận mọi công việc, chỉ cần có thu nhập. Áp lực tiếp tục gia tăng khi gần 8,7 triệu sinh viên sắp tốt nghiệp chuẩn bị gia nhập thị trường lao động.
Tuần trước, tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thừa nhận tình trạng thiếu việc làm. "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để ổn định và mở rộng thị trường lao động", ông nói.
Các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cuối tuần qua cam kết sẽ "vận dụng mọi biện pháp trong khả năng" nhằm tạo ra thêm việc làm mới. Nhưng nhiều phần trong kế hoạch của họ lại được mượn từ những chính sách cũ, như tăng cường việc làm ở các khu vực công, tài trợ cho những công ty nhà nước và bơm tiền cho lĩnh vực tài chính. Các chiến lược trên đã được chứng minh là kém hiệu quả trong những năm gần đây, giới chuyên gia nhận định.
Số liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp của Trung Quốc thực tế vẫn chưa phản ánh chính xác khủng hoảng việc làm trong tầng lớp lao động trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 là gần 14%, gấp hơn hai lần tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước.
Trên các diễn đàn trực tuyến, những người trẻ liên tục chia sẻ nỗi thất vọng của họ khi tìm kiếm việc làm. "Tôi thực sự muốn khóc. Tìm việc làm cũng khó khăn chẳng khác gì tìm bạn trai", một tài khoản mạng xã hội Weibo viết.
Nhiều người dùng từ "mất phương hướng" để mô tả tình trạng của bản thân. "Tôi đã dùng tất cả các phần mềm tìm việc. Không thể tìm nổi bất kỳ công việc nào. Tôi còn có thể làm gì hơn nữa! Tôi đang mất dần niềm tin", một người khác viết.
Nhiều người đã hạ thấp kỳ vọng về mức lương và tập trung tìm việc ở những công ty nhà nước. Việc làm ở các công ty tư nhân phổ biến hơn, song mức độ cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt, theo một nghiên cứu mới đây của nền tảng tìm việc Liepin trên 3.000 cử nhân Trung Quốc mới tốt nghiệp. 3/4 số người tham gia trả lời câu hỏi nói họ chỉ mong kiếm được việc làm với mức lương dưới 1.100 USD/tháng, một trong những mức lương thấp nhất cuộc khảo sát.
Guo Minghao, cử nhân ngành khoa học máy tính, hồi tháng 12 kiếm được một suất thực tập. Nhưng đến tháng 1, khi Covid-19 bùng phát, kỳ thực tập của Guo bị hủy. Guo đã phỏng vấn với hàng chục công ty nhưng không nơi nào nhận anh.
"Lần đầu tiên tôi cảm thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mình", Guo nói.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của các giáo viên, Guo được chấp nhận thực tập tại một công ty nhỏ ở Thâm Quyến. Nhưng bạn bè Guo sợ rằng chi phí sinh hoạt tại một thành phố hiện đại, xa hoa như Thâm Quyến sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với tỉnh Hắc Long Giang ở "vành đai rỉ sét" của Trung Quốc, nơi anh theo học.
Guo vẫn cảm thấy mình may mắn với mức lương khởi điểm khoảng 980 USD/tháng mà theo anh là đủ để trang trải những chi phí cơ bản. Guo tự tin có thể được nhận vào làm việc tại công ty sau kỳ thực tập và được tăng lương.
Lin Yuxin, 22 tuổi, bạn của Guo, lại đi theo con đường khác. Anh quyết địnhkhông tìm việc tại những công ty lớn như Tencent, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc. Lin cho rằng với thị trường lao động hiện nay, sự ổn định còn quan trọng hơn danh tiếng, mức lương cao hay khả năng thăng tiến.
"Khả năng đóng cửa của những tập đoàn tư nhân lớn như Tencent là 0,00001%, nhưng chúng vẫn không thể so sánh được với các tập đoàn nhà nước", Lin nói.
Huang, cử nhân trường hý kịch, quyết định tham gia ngành giải trí do được truyền cảm hứng từ cha mẹ. Mẹ cô là một ca sĩ opera còn cha cô là nhạc công. Cô theo học tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc, nơi đào tạo ra những diễn viên hàng đầu Trung Quốc như Chương Tử Di hay Củng Lợi.
Covid-19 đã làm hỏng mọi kế hoạch của Huang. Cô giờ đây duy trì cuộc sống với 500 USD mỗi tháng, trong đó một nửa dành để thuê nhà. Số tiền trên Huang trích dần từ khoản tiết kiệm, hỗ trợ của gia đình và tiền lì xì cô được nhận từ dịp Tết Nguyên đán.
"Nhiều kế hoạch của tôi đã tan vỡ", Huang nói. "Bây giờ, tôi luôn cân nhắc mỗi khi đặt hàng một món đồ nào đó mình muốn mua".
Huang đang cân nhắc học thạc sĩ ở nước ngoài, nhưng cô phải chờ cho tới khi dịch bệnh lắng xuống và các hạn chế đi lại toàn cầu được gỡ bỏ. "Vì dịch bệnh mà cả thế giới đang rơi vào hỗn loạn. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt", cô chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)