Đào Tử, 25 tuổi, người tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, cầm bộ bài 78 lá, cho hay đã dành 5 năm để học cách dự đoán tương lai theo phương pháp có từ hàng trăm năm trước. Tháng 4/2021, cô quyết định trở thành người bói bài Tarot, gia nhập thị trường đầy ắp thanh niên khát khao tìm hiểu về khả năng và hạn chế trong đời sống tình cảm của mình.
"Tôi có thể dành cả ngày xem bài", Đào Tử tâm sự hôm 4/1. "Tarot là gia đình, luôn trung thành và không bao giờ phản bội tôi. Người ta đang tích trữ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, còn tôi chỉ cần giữ bộ bài của mình".
Đào Tử là một trong số ngày càng nhiều người hành nghề bói bài Tarot phục vụ tầng lớp nhân khẩu học trẻ tuổi, những người giống cô, tìm đến các lá bài bí ẩn để được dẫn dắt tâm linh và cảm xúc.
Đào Tử tự bói bài cho mình sau khi chia tay bạn trai. Cô cho hay 90% khách hàng tìm đến mình đều hỏi vấn đề tình cảm, đặc biệt là các cô gái. Họ thường hỏi nên làm gì, có thể quay lại không.
"Vì thế, tôi thường chọn chủ đề tình cảm để làm video", Đào Tử, người tính phí 15 USD cho ba câu hỏi khi bói bài, nói.
Những video bói bài Tarot xuất hiện liên tục trên các nền tảng Trung Quốc như trang web live stream Bilibili, nền tảng phong cách sống Xiaohongshu, nơi những lời tiên tri về tình cảm không bao giờ thiếu người xem dù video thường đi kèm cảnh báo "chỉ để giải trí".
Long Nữ là một trong những người bói bài nổi tiếng nhất. Cô có gần một triệu người theo dõi trên Bilibili và tính phí gần 300 USD mỗi giờ tư vấn cá nhân.
Vương Đình, một khách hàng, cho hay các video Tarot đã an ủi cô sau khi thất tình hồi tháng 8/2022. Cô gái 22 tuổi cho biết đã chi hàng trăm nhân dân tệ cho người đọc bài Tarot và chuỗi pha lê, vật được cho là mang lại may mắn và tình yêu, để tìm kiếm nửa còn lại cho tương lai.
"Tình huống mô tả trong các video y hệt chuyện tôi đã gặp", Vương nói. "Tôi đã vô cùng tuyệt vọng. Tôi cần câu trả lời. Người ta nói chuỗi hạt pha lê có thể đưa anh ấy quay lại. Tôi biết là không đáng tin, nhưng thực sự cần nó để tâm trạng khá hơn".
Hình Đình Đình, phó giáo sư khoa xã hội học tôn giáo, Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, cho rằng việc thanh niên ngày nay tìm "chỗ dựa" tâm linh trong các lá bài Tarot là điều rất dễ hiểu. Bà cho hay những biện pháp này dẫn dắt họ về một vấn đề cụ thể, đồng thời tạo điều kiện để họ giải tỏa những cảm xúc phi lý trí.
"Tarot thu hút thanh niên không phải điều mới mẻ. Trước đó cũng có những cơn sốt xem tử vi hay các phương pháp khác cũ hơn. Con người cần nơi để giải tỏa cảm xúc lo lắng", bà nói.
Hàng loạt video về Tarot, một số video có tới hàng triệu lượt xem, là bằng chứng về sự phổ biến của thể loại này trên mạng xã hội. Những ứng dụng như Xiaohongshu thậm chí còn có những nhóm chat hàng trăm thành viên, thảo luận về mọi vấn đề liên quan tới quá khứ, hiện tại và tương lai. Một nhóm còn dùng xúc xắc chiêm tinh để quyết định nên ăn tối ở đâu mới có cơ hội gặp được tri kỷ.
Những biện pháp này có thể khiến nhiều người thoải mái. Nhưng một số người đọc bài Tarot nhận ra sự phụ thuộc quá mức vào Tarot là điều đáng lo ngại. Gia Bân Thư, người sáng lập dự án thiên văn học Tianji-one kiêm chuyên gia bói bài Tarot nổi tiếng, cho hay các lá bài "là sự kết hợp đơn thuần giữa khoa học xác suất và tâm lý".
Giống nhiều người đọc bài Tarot khác, cô vẫn đăng video hàng đêm, nhằm hướng dẫn những người gặp khó khăn sau khi chia tay hoặc muốn hàn gắn tình cảm với người yêu. Nhưng thay vì để họ hy vọng mù quáng, cô dùng bài Tarot để hướng dẫn họ bình ổn cảm xúc, sử dụng hình ảnh trên từng lá bài để khiến họ trân trọng cuộc sống.
"Ưu điểm của Tarot là khả năng hàn gắn vết thương lòng của nó", cô bày tỏ. "Phương pháp này giúp xoa dịu cảm xúc. Nhưng tôi hy vọng những người theo dõi tôi sử dụng Tarot để kiểm soát cảm xúc, đừng để bị nó điều khiển".
Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone)