Người Philippines có câu: "Bigas ay buhay" (có thực mới vực được đạo), bởi thiếu cơm trong bữa ăn hàng ngày là điều không thể chấp nhận được. Các món khác trong bữa ăn được gọi là "ulam", nghĩa là món kèm với cơm.
Tại các cửa hàng đồ ăn nhanh nước này, nhân viên thường phục vụ cơm không giới hạn, thay vì soda.
Philippines có khoảng 2,4 triệu nông dân canh tác lúa, làm việc vất vả trên những cánh đồng, ruộng bậc thang. Nhưng đối với người trẻ nước này, nghề trồng lúa ngày càng mất đi sức hấp dẫn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân đẩy Philippines lâm tình trạng thiếu gạo, bên cạnh thiên tai, dịch bệnh.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã cam kết chú trọng phục hồi, phát triển nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19, thậm chí kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp để dẫn đầu nỗ lực này, nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Năm 2023, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, với 3,22 triệu tấn gạo, nhiều hơn Trung Quốc, Indonesia, toàn khối EU. Quốc gia này năm nay ước tính nhập 3,8 triệu tấn gạo, trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng vọt lên mức cao nhất trong 14 năm.
Việc người trẻ quay lưng với canh tác lúa khiến tuổi trung bình của nông dân Philippines tăng đến 56, nhiều khả năng cao hơn trong tương lai.
Tỉnh Nueva Ecija phía bắc thủ đô Manila có 80% diện tích là đất nông nghiệp, với những cánh đồng lúa xanh ngắt trải dọc các tuyến đường. Trên một ruộng lúa, nông dân Privado Serrano lội bùn trong tiết trời oi bức để cấy lúa. Đây là công việc đòi hỏi tấm lưng khỏe, sức bền tốt. Ông Serrano, 66 tuổi, đã làm việc này suốt 5 thập kỷ qua, kể từ khi 10 tuổi.
Bố của ông Serrano là nông dân trồng lúa. Hai con trai của ông cũng là nông dân, con gái ông cũng lấy chồng là nông dân. Nhưng Arvin, 23 tuổi, cháu ông, lại muốn có cuộc sống khác.
"Tôi không thích trồng lúa, cũng không thích nắng nôi hay mang vác nặng, nên nhiều khi tôi rất lười", Arvin nói.
Gia đình phản ứng không quá gay gắt. "Ít nhất thì thằng bé cũng thành thật", dì Arvin cho hay. Theo nghiên cứu của nhà nhân chủng học Florencia Palis, khoảng 2/3 nông dân Philippines không muốn con cái theo đuổi nghề trồng lúa.
Arvin nhận thức được điều này từ nhỏ, nên quyết tâm theo học ngành tâm lý học tội phạm học tại một cao đẳng địa phương, nơi anh vừa tốt nghiệp.
Những năm qua, Arvin đã chứng kiến gia đình vất vả, nợ nần, mất ăn mất ngủ vì thiên tai đe dọa vụ mùa. Năm 2022, bão Karding tàn phá cả một vụ lúa của gia đình chỉ 2 tuần trước thời điểm gặt.
Đối với nhiều người ở tỉnh này, trở thành bất kỳ ai ngoài nông dân được xem là tấm vé "thoát ly".
Khi một trong hai con trai lần đầu theo Serrano ra đồng, ông đã rất phấn khởi, ấp ủ một ngày có thể trao quyền thừa kế thửa ruộng rộng gần 7 ha cho con. Giờ đây, khi nhận thức được nỗi khó khăn hiện tại, ông rất hối hận. "Cứ nhìn thấy con làm ruộng là tôi cảm thấy buồn", ông nói.
Chỉ sau khoảng hai phút lội ruộng, Andrea, 10 tuổi, và anh họ Arvin đã phải nheo mắt phàn nàn vì nắng gắt. Sau hàng chục năm làm đồng, ông Serrano khẳng định lưng không hề đau, nhưng đôi mắt ông đã đục ngầu.
Trong khi Arvin tốt nghiệp tâm lý học tội phạm, Andrea lại muốn học y. Thấy ông nội đau đớn, cô bé nhỏ thuốc mắt cho ông nội. Cả nhà đều kỳ vọng bé Andrea sẽ trở thành bác sĩ đầu tiên của gia đình.
"Nếu các nông dân lần lượt qua đời trong 20 năm tới, ai sẽ làm ra gạo nuôi người Philippines? Đây là vấn đề bắt buộc phải giải quyết", Jett Subaba, quan chức Trung tâm Cơ giới hóa và Phát triển sau thu hoạch Philippines (PhilMech), nói.
Để cải thiện ngành nông nghiệp, nhiều cơ quan chính phủ thúc đẩy làm nông theo hướng kinh tế, khởi nghiệp, trong đó có PhilMech với nỗ lực tăng cường sử dụng máy móc trong canh tác.
"Nếu trước đây, con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông, thì ngày nay đó là máy móc. Nông dân có thể nghe nhạc khi lái máy cày, chúng tôi đang tăng nhận thức rằng mọi thứ đã phát triển hơn trước", ông Subaba nói.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), trụ sở tại Philippines, đang lưu trữ 132.000 giống lúa. Các nhà khoa học cũng đang dùng phương pháp chỉnh sửa gen, cố gắng tạo các giống lúa mới có thể chịu được thời tiết cực đoan, cũng như tăng dưỡng chất.
Một số chuyên gia nhận định xu hướng từ bỏ ruộng đồng của người trẻ Philippines không xấu hoàn toàn, cho rằng thu hẹp lĩnh vực nông nghiệp là bước đi đáng hoan nghênh, thậm chí cần thiết nếu xét theo quy mô kinh tế.
Theo David Dawe, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), khi nền kinh tế phát triển, tỷ trọng lực lượng lao động tham gia ngành nông nghiệp sẽ giảm, thực phẩm sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong tổng chi tiêu.
"Nếu có quá nhiều người tham gia vào một lĩnh vực có tỷ trọng ngày càng giảm trong nền kinh tế, thì những người này đang bước vào đường nghèo đói", ông Dawe giải thích.
"Việc người trẻ Philippines từ bỏ nghề nông không đáng lo, mà vấn đề là không đủ người trẻ coi nông nghiệp là một con đường có thể đạt cuộc sống đủ đầy", Nafees Meah, cựu giám đốc châu Á của IRRI, nói.
Đức Trung (Theo Washington Post)