NSƯT Thanh Nga. |
Với hơn 230 vở diễn trong 28 năm, kể từ khi lên 8 (1950) đến lúc qua đời nghiệt ngã ở tuổi 36 (1978), Thanh Nga cống hiến cho khán giả biết bao phút vui buồn, ngây ngất. Được như thế, bà phải vượt qua nỗi e ấp của một thiếu nữ ở tuổi trăng rằm, để sắm vai "người lớn" trong vở Người vợ không bao giờ cưới: sơn nữ Phà Ca (soạn giả Kiên Giang - Phúc Quyên). Nhập vai ấy, bà đã thổn thức yêu đương, thương nhớ cùng Hữu Phước (vai Mộng Long) lúc mới 15. Nếu giải Thanh Tâm đưa “Phà Ca” sáng lên như ngôi sao mới mọc (1958), thì cũng đưa vào đời một Thanh Nga bắt đầu biết mộng mơ. Và nếu những lời đồn đại, cả giấy mực viết ra, là có thật về chuyện bà thầm yêu soạn giả Hà Triều năm lên 18, thì điều ấy cũng tự nhiên như "triệu đóa hoa hồng".
Đến ngày có Thành Được - rồi xa nhau, sau đó với một uẩn khúc khác, Thanh Nga trong chiếc áo cưới bước lên xe hoa chính thức cùng người chồng là ông Mẫn. Tiệc cưới long trọng tại nhà hàng, có báo chí tới dự rất đông, có nghệ sĩ và các giới... Rượu champagne nổ giòn tan, cuộc vui tưởng lâu bền nhưng chưa được bao lâu đã vội lắng xuống, vì ông Mẫn phải ra tòa, bị bắt giam vì tội dính líu với tiền nong, công quỹ. Bà phải sống những ngày đoạn trường và đối mặt với dư luận. Những rắc rối không đâu cứ ùa đến, có cả việc vu oan, tố cáo. Từ chỗ tưởng như ngã quỵ, bà đã đứng lên với một người bên cạnh: ông Phạm Duy Lân.
Một nhà báo từng quen biết ông Lân, tác giả bài Nữ nghệ sĩ Thanh Nga: một kiếp hồng nhan gian truân đã viết: "Tôi gặp Thanh Nga và anh Lân thường khi, lúc họ dọn về ở cư xá Đô Thành đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ, quận 3). Hai người đi chiếc Honda. Vóc dáng anh Lân to lớn dềnh dàng, cao đến 1m80. Khi lái xe gặp nhau dọc đường, anh Lân hoặc chị Nga thường vẫy tay chào tôi. Có khi, tôi gặp họ chở kịch sĩ Tường Vi (đã quá cố), chắc là đi quay phim, hoặc có lúc chở Vân Hùng... Một điều tôi nhận xét, những năm ấy Thanh Nga tươi vui hẳn ra, có lẽ cô đã được "tự do" sau khi rời chiếc lồng son sân khấu và có hạnh phúc". Sau ngày sinh đứa con trai đầu lòng (và cũng là duy nhất) Phạm Duy Hà Linh năm 1973, vợ chồng Thanh Nga về ở đường Ngô Tùng Châu vào 1974. Đó cũng "là nơi ông Lân mở văn phòng luật sư riêng. Vào chặng này, hoạt động điện ảnh của Thanh Nga rộn rịp và trở thành gương mặt tài tử thu hút khán giả cạnh các tên tuổi kỳ cựu khác như Kiều Chinh hoặc Thẩm Thúy Hằng".
Thế là, "cô đào thương nhạy khóc" thời nào lần lần "tái sinh" trên màn ảnh, qua nhiều phim của các đạo diễn Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa... Bà chuyển từ điệu buồn qua nét vui trong các phim hài thường dựng để chiếu trong các ngày Tết Nguyên đán. Bà có mặt cạnh hề râu Thanh Việt trong Triệu phú bất đắc dĩ hoặc Năm vua hề về làng, Quái nữ Việt quyền đạo với nhiều danh hài: Thanh Hoài, Tùng Lâm, Phi Thoàn, Xuân Phát... Bạn bè của gia đình bà nhận xét, thời kỳ này, có thể gọi là hạnh phúc nhất của Thanh Nga: tiền tài, danh vọng, mái ấm gia đình... đều có đầy đủ. Nhưng nhiều duyên do đã khiến một "tài tử Thanh Nga" rời phim trường, để ngược về nơi mà bà đã rơi nhiều nước mắt: sân khấu! Cải lương và khán giả! Sân khấu là nơi bà đón nhận nhiều tiếng vỗ tay với hàng trăm vở diễn như Sắc đẹp nàng vô tội (của Nguyễn Liêu), Mưa rừng (của Hà Triều - Hoa Phượng), Gió ngược chiều (Nguyễn Thanh Châu)... Nhưng ở sân khấu, bà luôn bị mất tự do vì không được quyền sống đời sống riêng. Hằng ngày, bà phải tiếp nhiều danh gia các giới, tướng tá Sài Gòn, công kỹ nghệ gia, chính trị gia và cả “ngài đại sứ” hâm mộ thanh sắc. Sáng ra là tập dượt, tối lại diễn, chiều muốn chợp mắt một chút là con trai chủ hãng đĩa Asia tới thăm, giám đốc hãng kem Chà Và tới gặp, tặng hoa, tán tỉnh, chuyện vãn...
Thời giờ sống “thật” của bà có lẽ nhiều nhất là... trên sân khấu. Bà có tên là Juliette. Juliette Nga với “một mái tóc đen dài và thẳng tắp mang đầy vẻ thùy mị e ấp của người con gái Việt Nam” như cố nghệ sĩ Ngọc Lan nhận xét, và tiếp: “Khi thủ vai Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh, Thanh Nga đang ở tột đỉnh danh vọng. Nhan sắc ở lứa tuổi ba mươi như cô là nhan sắc của người đàn bà mang đầy tự tin. Tôi không còn thấy mặt Thanh Nga thiếu nữ đượm buồn như ngày trước nữa”. NSƯT Bạch Tuyết nêu tương tự qua cuốn Cải lương chi bảo vừa in tháng 4/2004. Và ghi nhận thêm về đoạn Trưng Trắc tế chồng, diễn ở rạp Hưng Đạo: “Hàng ghế khán giả đa số là sinh viên nước mắt ròng ròng. Tôi cũng khóc... Lệ của người đàn bà thay chồng giữ nước trong tình huống ngặt nghèo này đã uất hận chảy ngược về tim”.
Những kẻ bắn chết vợ chồng Thanh Nga là Tân (chủ mưu) và Đức (đồng phạm) đã nhận tội. Chuyên án Thanh Nga kết thúc. Tòa tuyên tử hình Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức. Án tử hình đã được thi hành ngày 23/8/1980.
(Theo Thanh Niên)