Khu vực Đèo Ngang, dãy núi Hoành Sơn, giáp ranh giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay, là mốc phân chia địa giới giữa Giao Chỉ và Chiêm Thành xưa, có vị trí chiến lược về chủ quyền. Quá trình phát triển, các triều đại coi trọng việc làm thành lũy ở nơi này để củng cố hệ thống phòng thủ.
Ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết các tài liệu lịch sử ghi lại lũy đá cổ Kỳ Anh có từ vương triều Chăm Pa. Đến thế kỷ 17, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhận thấy công trình nằm ở vị trí đồi núi cao, dốc đèo hiểm trở, Trịnh Toàn đã củng cố, xây dựng lũy đá thành phòng tuyến quân sự vững chắc để đề phòng quân đội của nhà Nguyễn từ Đàng Trong đánh ra.

Một đoạn của hệ thống lũy đá cổ vắt qua dãy Hoành Sơn, huyện Kỳ Anh. Ảnh: Đức Hùng
Năm 1656, quân nhà Nguyễn đánh nhà Trịnh ra đến tận vùng Hồng Lĩnh và phía bắc sông Lam, tướng nhà Trịnh Đào Quang Nhiêu thua chạy về đất An Tràng dâng biểu tạ tội và xin viện binh. Lúc này chúa Trịnh Tráng sai con út là Ninh quốc công Trịnh Toàn vào làm trấn thủ Nghệ An. Từ khi quản lý vùng đất này, Trịnh Toàn hậu đãi tướng sĩ, yêu mến quân dân, được nhiều người kính trọng, dành riêng cho ông tên gọi thân thiết và kính trọng là Ông Ninh.
Giai đoạn 1656-1661, Trịnh Toàn đã chỉ huy quân sĩ tu bổ và xây đắp hệ thống thành lũy ở một số nơi trọng yếu từ đồng bằng, ven biển và miền núi, trong đó có hệ thống lũy đá bắc Đèo Ngang nằm trên dãy Hoành Sơn, để phòng thủ quân nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Vì thế người dân xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) gọi các thành lũy do ông xây đắp và tu bổ thời kỳ này là lũy Ông Ninh.
Tại Hà Tĩnh, thành dài khoảng 30 km, nằm trên sườn phía bắc của dãy Hoành Sơn, kéo dài từ đông sang tây, vắt ngang qua nhiều xã của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, đến gần tỉnh Quảng Bình. Thành được làm hoàn toàn bằng đá son (đá tự nhiên, khi mài ra có màu đỏ như son), không dùng chất kết dính vì vật liệu này mềm và mịn. Để lâu ngày các bột đá bị phân hủy tạo thành keo chắc chắn.

Đá son được xếp chồng lên nhau tạo thành lũy. Ảnh: Đức Hùng
Thành quay về hướng nam, chỗ cao nhất 6 m. Mặt thành rộng 3 m, chân rộng 5 m. Theo chiều dài thân thành, cứ cách nhau khoảng 3 m, ở dưới hoặc trên thân lại trổ một ô cửa hình vuông dạng phễu, mặt trước to mặt sau thu nhỏ, kích thước 100x80 cm. Hạng mục này ngoài làm chỗ thoát nước còn có công dụng là hỏa hiệu, giống như lỗ châu mai chạy xuyên qua thân thành.
Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh phân tích, những ô hình vuông được xây với kỹ thuật cầu kỳ. Bên trong lòng, cả trên trần và hai bên vách được lát bằng các hòn đá tự nhiên phẳng. Đặc biệt, miệng ô cửa được thiết kế chắc chắn bằng một thanh đầm bắc ngang qua nhằm chống đỡ sức nặng của công trình.
Ngoài ra, ở phía trước hoặc sau mỗi ô cửa của thành lũy luôn được đào thêm một hố tác chiến nối liền từ bên trong ra ngoài nền đất, còn được gọi là "hộc đóng quân". Hộc dài 5 m, rộng 3 m, sâu gần 2 m, có thể chứa 4-5 người. Vào trận, binh lính sẽ nấp bên dưới để quan sát và đánh trả đối phương.
"Người xưa đã tận dụng tuyệt đối lợi thế của thiên nhiên, là địa hình hiểm trở núi non của dãy Hoành Sơn với độ dốc thẳng đứng về phía nam để xây thành lũy. Công trình được làm cẩn thận, chất lượng cao. Một số lũy cổ sót lại tại các địa phương khác cũng được xếp bằng đá, nhưng dựa trên kinh nghiệm của người bản địa, dân làm là chủ yếu. Tại Kỳ Anh thì chắc chắn phải có người chỉ huy về kỹ thuật xây dựng cùng với đội lính thợ rất giỏi tay nghề", ông Trần Phi Công nói.

Ô cửa và hộc đóng quân là hạng mục nối liền nhau, điểm đặc biệt trong kết cấu của lũy đá. Ảnh: Đức Hùng
Trải qua gần 400 năm, thành lũy dài hàng chục km không còn nguyên vẹn dáng xưa, hiện ẩn mình dưới các tầng cây cối rậm rạp trên núi Hoành Sơn. Từ năm 1993, nhiều đoàn chuyên gia khảo cổ đã về Hà Tĩnh khảo sát, nghiên cứu về lũy đá cổ Kỳ Anh. Tháng 4/2012, một đợt khai quật lớn tại khu vực hộc đóng quân, do đoàn khảo cổ thuộc Viện khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức.
Kết quả cho thấy các khối đá màu nâu đỏ vẫn còn nguyên vẹn, kích thước 20x66 cm, bề mặt tương đối bằng phẳng. Ngoài ra, hiện vật thu được còn có một số mảnh sành và mảnh bát gốm sứ có men, niên đại thế kỷ 19 đến 20.
Nhà chức trách sau đó đã phát quang đoạn lũy đá dài hơn một km ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tham quan du lịch cũng như nghiên cứu chương trình về thành lũy cổ ở Việt Nam.
Năm 2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lũy đá cổ Kỳ Anh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đến nay, đoạn thành lũy ở xã Kỳ Lạc được gắn cột cờ, làm hàng rào thép gai cùng một số hạng mục phụ trợ bao quanh.
Lũy đá cổ Kỳ Anh đoạn qua xã Kỳ Lạc, nhìn từ trên cao. Video: Đức Hùng
Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh đánh giá, lũy đá cổ Kỳ Anh hiện mới dừng ở mức bảo tồn. Các giá trị về văn hóa, du lịch chưa thể phát huy như kỳ vọng. "Lối vào di tích men theo triền núi, địa hình hiểm trở, vì thế cần làm hành lang, đường bao quanh, tạo thuận lợi cho khách tham quan. Để người dân hiểu hết giá trị về mặt khoa học và di sản của thành lũy thì các cấp quản lý văn hóa cần tăng cường quảng bá, đầu tư kinh phí", ông Trần Phi Công kiến nghị.