Ghi nhận tại nhiều vùng trồng ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, trái thanh long ruột trắng( loại phổ biến) có giá tăng mạnh, lên 20.000-25.000 đồng mỗi kg mua xô. Thậm chí, với thanh long ruột đỏ (chiếm tỷ lệ nhỏ, 5-10%) loại 1 được thương lái mua 45.000 đồng một kg, loại 2 khoảng 40.000 đồng. Với những thương lái mua xô (gồm cả lớn lẫn nhỏ), giá thanh long ruột đỏ là 35.000 đồng, tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 20% so với đầu năm.
Ông Hồ Nhân, nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận, cho biết có 3 sào thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch hơn tuần nay. Hiện ông còn khoảng 2 tạ và đang được thương lái trả giá 35.000 đồng một kg xô. Với mức giá này, nhà vườn thu lãi gần 15.000 đồng một kg.
Xuất bán 2,5 tấn với giá 28.000 đồng một kg, ông Luận ở huyện Hàm Thuận Bắc cho hay hơn tháng qua luôn bán thanh long được giá. Tuy nhiên, năng suất năm nay giảm 20% so với cùng kỳ nên sau khi trừ chi phí, gia đình ông chỉ lãi 50 triệu đồng.
Ngoài các hộ trên, nông dân trồng thanh long tại Bình Thuận và Tiền Giang cũng đang thu lãi 250-400 triệu đồng một ha (tùy năng suất). Với những hộ dân trồng lẻ tẻ, mỗi sào (1.000 m2) cho lãi 15-30 triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân giá tăng cao, ông Hồ Nam - thương lái chuyên thu mua thanh long ở Bình Thuận - nói do cầu vượt cung. Hiện nay, mỗi ngày ông chỉ mua được 1-2 tấn, trong khi cùng kỳ 3-4 tấn.
Theo ông, hiện thanh long đang cuối vụ chong đèn nên sản lượng ít. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá đã tăng 10.000-15.000 đồng mỗi kg so với tháng 2. Giá sẽ giảm trở lại khi thanh long vào chính vụ
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam (Vina Fruit) - cho biết thông thường từ tháng 12 đến tháng 5, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thanh long để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, giá liên tục đi lên.
Ngoài ra, diện tích thanh long trên cả nước cũng có xu hướng giảm do năm 2023 giá mặt hàng này ở mức thấp khiến nhiều nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng, mít... Trong khi đó, tại các vùng trồng thanh long đang phải đối mặt với tình trạng hạn mặn khiến sản lượng suy giảm.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng lưu ý, từ tháng 6 đến tháng 11, Trung Quốc sẽ vào vụ thu hoạch, do đó giá thanh long có thể giảm trở lại.
Hiện ngoài thị trường Trung Quốc, trái thanh long Việt Nam còn xuất khẩu vào nhiều thị trường khác như Thái Lan, Campuchia , Australia, NewZealand, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thanh long là một trong những trái cây đóng góp thị phần lớn cho rau quả Việt Nam. Những năm trước Covid-19, mỗi năm doanh thu xuất khẩu từ quả này đạt hơn tỷ USD. Tuy nhiên, từ sau Covid-19 đến nay, Trung Quốc trồng được đã khiến giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh, bật ra khỏi nhóm "câu lạc bộ tỷ USD".
Số liệu từ hải quan cho thấy xuất khẩu thanh long 2 tháng đầu năm đạt 117 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồng Châu