Mấy ngày qua, nông dân tỉnh Bình Thuận không khỏi lo lắng trước thông tin phía Trung Quốc tạm ngưng nhập thanh long ở cửa khẩu phụ Đông Hưng (tỉnh Quảng Ninh) do có một lô hàng bị phát hiện nhiễm nCoV. Họ lo lắng nếu thanh long không xuất được sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
Nhưng những ngày qua, nhiều thương lái hằng ngày vẫn tìm đến các vườn thanh long vừa chín tới. Hơn nữa, giá mua tại vườn trong tuần qua lại cao hơn so với tháng trước đến vài nghìn đồng.
Ngày 21/9, ông Nguyễn Văn Thuận ở xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc) cắt 20 tấn thanh long chong đèn trong mùa mưa. Thương lái từ huyện Hàm Thuận Nam đến mua tận nơi với giá 10.500 đồng một kg.
Bán được hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí chăm sóc, phân thuốc và tiền điện chong đèn, gia đình ông lãi 50 triệu từ khu vườn 2 ha (2.000 trụ). "Kkhông bằng như những năm trước, nhưng với tình hình hiện nay, bán được với giá đó là vui lắm rồi", ông Thuận chia sẻ.
Không những ông Thuận, mà nhiều nhà vườn khác ở khu vực các xã Mương Mán, Hàm Kiệm, Hàm Thạnh, Hàm Cần... (huyện Hàm Thuận Nam) cũng bán được hàng. Bà Lê Thị Loan, thương lái ở Hàm Thuận Nam cho biết các vựa lớn dọc Quốc lộ 1 vẫn nhận hàng, nên các lái đi mua bình thường.
Thanh long mua tại vườn có giá từ 8.000-13.000 đồng, tùy mẫu mã hàng đẹp hay xấu.
"Thời điểm này, nguồn hàng cuối vụ mùa rất ít, nên giá nhích cao hơn so với lúc đang rộ đến vài nghìn đồng một ký", bà Loan nói và cho biết hơn tháng trước giá rất thấp chỉ từ 3.000-6.000 đồng một kg.
Chị Hương, một chủ vựa đóng hàng xuất khẩu ở huyện Hàm Thuận Bắc, cũng đang mua thanh long với giá 10.000-13.000 đồng một kg. Mấy hôm rồi, mỗi ngày vựa của chị mua 100-150 tấn hàng để xuất qua Trung Quốc.
"Cơ sở của tôi đảm bảo các điều kiện phòng dịch, hiện vẫn xuất hàng đi đều đều", chị Hương cho hay.
Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, các doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu trên địa bàn đang hoạt động bình thường. Hàng ngày các xe chở hàng vẫn tiếp tục đưa thanh long ra các cửa khẩu giáp biên giới tiêu thụ.
"Từ tối 21/9, cửa khẩu Đông Hưng đã mở cửa trở lại. Cửa khẩu Tân Thanh cũng hoạt động ổn định từ trước đến nay, nên thanh long Bình Thuận vẫn được xuất bình thường", ông Tài nói.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho rằng, thông tin từ phía Trung Quốc phát hiện trên bao bì đóng gói thanh long của một doanh nghiệp Bình Thuận bị nhiễm Covid-19 hiện cũng chỉ là thông tin một chiều, "chưa có gì chứng minh".
Hôm 21/9, đoàn công tác do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Bình Thuận chủ trì đã làm việc với nhà đóng gói (ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) để xác minh. Ông Tấn cho biết sẽ thông tin ngay khi có kết luận.
Bình Thuận có hơn 33.000 ha thanh long, sản lượng trên 550.000 tấn một năm, đứng đầu cả nước. Hiện hơn 80% sản lượng được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, chủ yếu qua đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đông Hưng (Quảng Ninh), trong đó cửa khẩu Tân Thanh chiếm phần lớn.