Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho biết đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, với các nhiệm vụ như: Nghiên cứu giải pháp phần mềm, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, vận hành khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo dưỡng hệ thống quản lý dữ liệu; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm dịch vụ có thu theo quy định...
Trung tâm cũng có chức năng liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ về dữ liệu dân cư; nghiên cứu xây dựng văn bản pháp luật về lĩnh vực này.
"Khi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân hoàn thành, Trung tâm này sẽ giúp khai thác tiện ích của hai dự án này để phục vụ quá trình quản lý của cơ quan nhà nước và người dân", Đại tá Phạm Công Nguyên nói và yêu cầu Trung tâm bảo mật thông tin, đặc biệt bảo vệ dữ liệu dân cư, căn cước công dân.
Theo Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm ứng dụng dữ liệu về dân cư và căn cước công dân, hiện Trung tâm có 16 sản phẩm ứng dụng như dịch vụ tư vấn kiểm soát thẻ căn cước công dân, thiết bị thu nhận vân tay, thiết bị đọc chip...
Thời gian tới, Trung tâm sẽ hoàn thiện một số sản phẩm mà doanh nghiệp tài chính, ngân hàng đang cần, như: Thiết bị xác thực sinh trắc, ứng dụng xác minh qua điện thoại thông minh.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo nên một hệ cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp, phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
Dự kiến đến 1/7, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện giai đoạn hai, kết nối với dự án căn cước công dân và một số dữ liệu chuyên ngành khác.
VNPT là đối tác chính của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân để cung cấp các dịch vụ dân cư dựa trên CSDLQG về dân cư, dữ liệu sinh trắc học của CCCD. VNPT cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với Trung tâm, góp phần kiến tạo phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trên cơ sở công dân số.