Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh thành.
Tại tỉnh Quảng Ninh, TP Đông Triều được thành lập nguyên trạng trên cơ sở thị xã Đông Triều với diện tích 395,950 km2, dân số 249.000. Thường vụ Quốc hội thống nhất thành lập 4 phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức thuộc TP Đông Triều.
Việc thành lập TP Đông Triều phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Đông Triều đạt 14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163 triệu đồng, gấp 1,6 lần trung bình cả nước.
Sau khi thị xã Đông Triều lên thành phố, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước, gồm Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang triển khai thủ tục, xây dựng hồ sơ để đề nghị thành lập TP Quảng Yên vào năm 2025. Đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng.
Tại tỉnh Bắc Giang, Thường vụ Quốc hội đồng ý nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn (mới) và huyện Sơn Động.
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh, giảm đơn vị hành chính cấp xã tại các địa phương. Trong đó Cần Thơ giảm một xã; Đăk Lăk 4; Đồng Nai 11; Gia Lai 2; Khánh Hòa 7; Lào Cai 1; Ninh Thuận 3; Phú Yên 4; Quảng Ninh 6; Thái Bình 18; Tiền Giang 6; Vĩnh Long 5. Tổng cộng, 13 địa phương giảm 87 đơn vị cấp xã.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đơn vị hành chính tỉnh, thành phố sau sắp xếp cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, không phát sinh vướng mắc khi kiện toàn cơ quan, đơn vị và chức danh lãnh đạo. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 1.935. Tổng số trụ sở dôi dư sau sắp xếp là 148. UBND 13 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để giải quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành với phương án sắp xếp, cho rằng phù hợp với quy hoạch liên quan, bảo đảm tiêu chuẩn. Song, cơ quan này đề nghị Chính phủ làm rõ việc vẫn còn số lượng khá lớn đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng chưa thực hiện tại một số tỉnh. Một số đơn vị sau sắp xếp vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định.
Góp ý cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương chú trọng đảm bảo chế độ cho người lao động dôi dư sau sắp xếp, không để "cán bộ tâm tư". Khi sắp xếp, người dân phải đi xa để làm thủ tục hành chính, thay đổi giấy tờ. Chính quyền phải tạo điều kiện, tuyên truyền để người dân nắm được mục tiêu, yêu cầu của sắp xếp.
"Chính phủ, các địa phương xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cần thực hiện một cách thận trọng, khoa học, tránh để người dân cho rằng mai nhập mốt tách ra, gây lãng phí tiền bạc, công sức", ông Mẫn nói.
Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính tại tỉnh Bắc Giang có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 địa phương còn lại từ 1/11/2024.
Sơn Hà